MỘT CUỘC TẬP HỢP VĂN HÓA

Không ngạc nhiên khi thông tin về công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chuẩn bị được xây dựng với chi phí lên đến 11.000 tỷ đồng vừa đưa ra lập tức nhận được sự quan tâm phản hồi không thuận của nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa cùng đông đảo công chúng.

Ngoài lý do về thời điểm kinh tế còn khó khăn, nhiều công trình, dự án tối cấp thiết còn "đói" vốn thì có rất nhiều lý do liên quan trực tiếp đến việc xây dựng, vận hành phát huy tác dụng của bảo tàng.

Việc hàng loạt bảo tàng các loại từ Trung ương đến tỉnh, thành phố từ mở cửa đã lâu đến mới xây cất vắng khách vì nội dung trưng bày nghèo nàn, đơn điệu mà cả người làm công tác bảo tàng và công chúng từng phải dùng chữ “ngày thừa, khách thiếu” để diễn tả đã thể hiện rất rõ ràng hiện trạng hoạt động bảo tàng ở nước ta. Thậm chí cám cảnh hơn có bảo tàng tỉnh, thành phố gần như đóng cửa quanh năm, khuôn viên trở thành nơi để cây cảnh, gửi ô tô, xe máy và hàng hóa. Hiện trạng bảo tàng cũng như nhiều công trình tượng đài, nhà văn hóa, chợ, trung tâm thương mại đầu tư tốn kém mà không phát huy tác dụng, khiến dư luận dị ứng trước những thông tin về các công trình văn hóa mới.

Thiết kế không gian trưng bày của một Bảo tàng. Ảnh minh họa.

Cái lợi của văn hóa, công trình văn hóa không thể đo đếm bằng tiền như các công trình, dự án kinh tế mà phải tính đến tác động về nhận thức, tinh thần, cảm xúc đối với công chúng. Đó là nguyên lý không thể bác bỏ nhưng tác động hiệu quả của công trình bằng những gì, theo cách ra sao, với những đối tượng nào thì phải xác định và chứng minh được rõ ràng trước khi quyết định xây dựng. Và những việc đó thì không chỉ là trách nhiệm riêng của những người được giao việc thiết kế, xây dựng mà còn là của cả cộng đồng. Để làm được việc này, đề án xây dựng, đề án trưng bày và các đề án hoạt động khác của bảo tàng hay các nhà văn hóa, các trung tâm văn hóa lớn cần được công khai để các nhà khoa học, nhà văn hóa và công chúng đóng góp ý kiến. Với riêng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, điều này còn phải được xem là yêu cầu bắt buộc. Lịch sử Việt Nam cực kỳ phong phú, đa dạng, trong đó còn nhiều khoảng trống và nhiều điểm, nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, tranh luận để làm sáng tỏ, thấu đáo. Chọn nội dung gì, trưng bày, trình bày ra sao cùng những phương tiện, phương thức truyền thống và hiện đại để tăng sức thuyết phục là những vấn đề không đơn giản. Không ngẫu nhiên các bảo tàng trên thế giới thường xuyên tổ chức điều tra xã hội học với từng đối tượng để nhận biết đúng và có những cải tiến kịp thời đáp ứng nhu cầu công chúng.

Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không chỉ là việc thiết kế, thi công một công trình lớn mà còn là một đợt sinh hoạt học thuật và văn hóa của cả số đông các tầng lớp nhân dân quan tâm. Điều này tạo nên môi trường văn hóa xã hội thuận lợi cho chính bảo tàng tương lai trong xây dựng, tổ chức hoạt động. Đó là một cuộc tập hợp văn hóa.

Để làm được những việc trên, trước mắt ngành bảo tàng cùng các cấp quản lý nên tổ chức tổng kết những bài học thành công cũng như những bài học chưa thành công và thất bại, lãng phí của hoạt động bảo tàng cả nước trong những năm qua. Cách làm nào khiến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh và các bảo tàng như: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự ở Hà Nội tạo được sức hút với du khách? Và ngay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện tại cái gì được và chưa được, có thể cải tiến, thực hiện ngay điều gì?

Chuyện đầu tư nghìn tỷ là lớn lắm, nhưng còn lớn hơn là phát huy tác dụng của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Đó phải là một địa chỉ văn hóa nức tiếng, là niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam.

NGUYỄN MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/mot-cuoc-tap-hop-van-hoa-517903