Một giảng viên Việt vào top 30 giảng viên xuất sắc toàn cầu

ICTnews - Tiến sỹ Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng là một trong 30 lãnh đạo giáo dục ưu tú nhất vừa tham gia Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu do Microsoft tổ chức từ ngày 7-10/11/2011 tại bang Washington, Hoa Kỳ.

Theo TS Nguyễn Văn Long, ở góc độ CNTT, “hợp tác” là tiêu chí hàng đầu trong các kỹ năng học tập, nghiên cứu nhằm chuyển biến nền giáo dục Việt Nam. Ảnh: M.C

Theo đại diện Microsoft, tiến sỹ Nguyễn Văn Long là một trong 30 nhà giáo xuất sắc nhất được lựa chọn trong số hàng ngàn giảng viên đến từ 70 quốc gia khác nhau, đã tham dự chương trình Đối tác Giáo dục lần thứ 2 (Partners in Learning Institute) của hãng.

Tại sự kiện nói trên, tiến sỹ Long đã trình bày tham luận “Các giải pháp ứng dụng CNTT trong bối cảnh thiếu thốn về hạ tầng cơ sở CNTT như tại Việt Nam ”, đồng thời cùng các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và đưa ra các giải pháp ứng dụng CNTT vào các chương trình giáo dục hiện đại thực tế tại quốc gia bản địa.

Tiến sỹ Long nhấn mạnh: “Nhìn từ góc độ của CNTT, cơ hội đang mở ra cho nền giáo dục Việt Nam rất lớn. Với tôi, như bấy lâu nay tôi đang làm thì tiêu chí “hợp tác” (Collaboration) rất quan trọng. Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong các kỹ năng học tập và nghiên cứu của thế kỷ 21, để kết nối các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực giáo dục, CNTT trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể bàn đến các bước tiếp theo nhằm chuyển biến giáo dục Việt Nam trong tương lai”.

Ông Anthony Salcito, Phó Chủ tịch phụ trách Giáo dục toàn cầu của Microsoft cho biết: “Chương trình Đối tác giáo dục lần thứ 2 là một trong rất nhiều chương trình được Microsoft đầu tư nhằm giúp các giảng viên có được phương pháp giảng dạy hiệu quả, đồng thời hỗ trợ học sinh học tập tốt hơn, định hướng vững hơn về nghề nghiệp trong tương lai”.

Partner in Learning là sáng kiến toàn cầu do Microsoft đưa ra nhằm hỗ trợ lĩnh vực giáo dục tăng cường tiếp cận công nghệ và cải thiện việc ứng dụng CNTT trong dạy và học. Được bắt đầu từ năm 2003, dự án được công ty Microsoft đầu tư hơn 500 triệu USD, đến nay đã giúp cho hơn 196 triệu giáo viên và học sinh trên 114 quốc gia sử dụng CNTT hiệu quả và sáng tạo.

Trong đó, một trong những kênh hỗ trợ chương trình là hệ thống mạng Partner in Learning – kênh liên hệ, trao đổi, chia sẻ cũng như học hỏi các ý kiến sáng tạo trong việc ứng dụng CNTT vào giáo dục cho các nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên trên toàn cầu. Triển khai ở Việt Nam từ năm 2005, tính đến nay có 65.000 giáo viên và 2,1 triệu học sinh tại 5.150 trường tại Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình này.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/home/Tin-tuc/71/Mot-giang-vien-Viet-vao-top-30-giang-vien-xuat-sac-toan-cau/98094/index.ict