Một loạt lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất bị kỷ luật

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có vi phạm, khuyết điểm ở mức nghiêm trọng.

Tại kỳ họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỳ 17 (từ 13-16/9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và một số thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Một số lãnh đạo Vinachem được chỉ ra có vi phạm rất nghiêm trọng là ông Nguyễn Anh Dũng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Quang Chiêu (nguyên Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên), ông Đỗ Quang Chiêu (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Duy Phi (nguyên Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc).

Ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Vinachem.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Vinachem.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo là nghiêm trọng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên).

Các ông Đỗ Quang Chiêu (nguyên Chủ tịch HĐQT), Đỗ Duy Phi (nguyên Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc) bị kỷ luật cảnh cáo.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT). Ngoài ra, yêu cầu Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015.

Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong các dự án yếu kém của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công.

Nhiều dự án của Vinachem được cho là kém hiệu và gây thua lỗ, như Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai và DAP số 1 Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư của 4 dự án trên 19.000 tỷ đồng, nhưng sau đó điều chỉnh tăng lên tới trên 28.800 tỷ đồng.

Đạm Ninh Bình là công ty có số lỗ phát sinh nhiều nhất, lên tới 3.217 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2016). Bộ Công Thương từng đánh giá tình hình tài chính của Nhà máy đạm Ninh Bình gặp khó khăn do chi phí đầu tư dự án quá cao, phải trả nợ vay ngân hàng, lại thêm các khoản thua lỗ nên sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Theo kết luận thanh tra được Bộ Công Thương công bố, Vinachem đã phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn rủi ro, dự báo còn hạn chế. Mặc dù nhận nghĩa vụ trả nợ, nhưng công ty mới trả được 4.047 tỷ đồng, riêng Vinachem phải trả nợ thay lên tới gần 1.600 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả là 11.063 tỷ đồng.

Tại dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc, kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ quá trình triển khai dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm như tính thừa chi phí, xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng, thi công sai phép, bố trí cán bộ không đủ điều kiện tham gia quản lý dự án...

Thanh tra Bộ Xây dựng đã từng ra quyết định xử phạt với tổng số tiền lên tới 100 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Xây dựng và Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư lên gần 80 tỷ đồng tại dự án DAP Lào Cai.

Việc đàm phán, ký kết hợp đồng với gói thầu EPC còn tồn tại, dẫn đến giá một số hạng mục công trình, vật tư, thiết bị trong hợp đồng cao hơn giá dự thầu, làm tăng giá trị hợp đồng trên 145 tỷ đồng.

Việc nghiệm thu, thanh toán vượt hơn 1,2 triệu USD tiền thuế VAT khi mua hàng nhập khẩu, không tính đủ tỷ trọng thanh toán của các thành phần, làm tăng chi phí lên tới hàng nghìn USD...

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mot-loat-lanh-dao-tap-doan-hoa-chat-bi-ky-luat-post780529.html