Một lòng 'sống chết' với nghề

Câu chuyện về những cô giáo mầm non sẵn sàng nhận cái chết về mình để bảo vệ, đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh trong cơn lũ đã dẫn lối chúng tôi về với Trường mẫu giáo An Hiệp, xã An Hiệp, H. Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bước vào nghề với vốn liếng lớn nhất là tình yêu thương trẻ thơ, bởi vậy, bao năm dạy học, họ dành tất cả tình yêu cho học trò một cách vô điều kiện và tình yêu đó lớn đến nỗi họ không chút chần chừ quên đi mạng sống của mình để bảo vệ sự bình an cho các em học trò trước gian nguy.

Cô Võ Thị Thu Sương đau xót trước toàn bộ tài sản, đồ dùng dạy học của giáo viên, học sinh bị nước lũ tàn phá.

Những cuộc sống bình dị

Sau hơn 24 năm dạy học, tài sản tích góp của vợ chồng cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng (43 tuổi, giáo viên Trường mẫu giáo An Hiệp) chỉ là ngôi nhà cấp 4 lợp tôn được xây cất trên nền đất vườn ông bà để lại. Bao năm nay, cuộc sống gia đình cô chỉ trông chờ vào đồng lương giáo viên mầm non và tiền công ít ỏi "ngày có, ngày không" của chồng cô. Có những tháng, để có tiền cho sinh hoạt gia đình, trang trải tiền ăn học cho 2 đứa con, chăm sóc, nuôi dưỡng người mẹ già, vợ chồng cô phải chạy vạy khắp nơi. Nhắc đến gia đình, giọng cô buồn buồn: "Sau cơn lũ, nhà cửa bây giờ chỉ còn cái xác không. Đồ đạc sửa chữa được cái nào thì dùng tạm cái đó, chứ biết lấy tiền bạc đâu mà sắm lại". Lật từng quyển sách, tập vở bê bết bùn đất của các con, cô ứa nước mắt: "Hôm nước lũ đổ về, may mà 2 cháu còn ở trên trường, không thì… không biết chuyện gì xảy ra nữa! Thấy sách vở ngập hết trong bùn đất, 2 cháu buồn khóc miết. Thấy cháu vậy, vợ chồng tui tủi thân cũng bật khóc theo".

Khi đến thăm cô Nguyễn Thị Hòa (47 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo An Hiệp), chúng tôi cảm nhận được cuộc sống hết sức bình dị của vợ chồng và 2 người con đang tuổi ăn học. Cuộc sống gia đình cô gần như phụ thuộc vào đồng lương giáo viên mầm non. Nhiều lúc để có tiền học cho 2 con, vợ chồng cô chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi. Những khó khăn, lo toan cuộc sống đó ít khi được cô tâm sự cùng bạn bè, đồng nghiệp, nên cứ thấy cô lúc nào cũng tươi cười, niềm nở, mọi người cũng bảo cuộc sống gia đình an nhàn, đủ đầy. Cô tâm sự: "Khi còn là nữ sinh, tôi luôn ấn tượng bởi hình ảnh một cô giáo mầm non hiền hòa trẻ trung, được các em nhỏ vây quanh, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Chính vì thế mà tôi ao ước được trở thành một giáo viên mầm non. Bởi vậy, bao năm gắn bó với công việc dạy trẻ, tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào, yêu quý nghề nghiệp của mình, ngay cả khi đồng lương rất ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày".

Cô Hồng gom nhặt những cuốn sách, tập vở của các con còn sót lại sau cơn lũ.

Tận tụy với công việc

Cùng hoàn cảnh như gia đình cô Hồng, cô Hoa, nhà của cô giáo Lê Thị Kim Hằng (44 tuổi) cũng bị nước lũ tàn phá. Trở lại công việc dạy học sau cơn lũ nhưng tâm trạng cô đang chồng chất những nỗi lo toan cuộc sống phía trước. Chồng cô làm nghề lái xe nên liên tục xa nhà, một tay cô vừa chăm sóc 2 người con nhỏ ăn học, lo việc hiếu, hỷ 2 bên nội ngoại. Nhìn cô vất vả ngược xuôi để lo tròn trách nhiệm, ai cũng thương thầm, động viên. Chính điều đó càng thôi thúc bản thân cô tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong công việc. Hơn 20 năm dạy học, cô luôn tận tụy với công việc, ân cần chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh.

Thật khó khăn để cô Võ Thị Thu Sương - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo An Hiệp chia sẻ nỗi niềm cuộc sống gia đình mình. Bởi gần 1 năm qua, từ khi chuyển về làm công tác quản lý, điều hành nhà trường, mọi người chỉ thân quen với hình ảnh một nữ hiệu trưởng nhiệt tâm, đi sớm về khuya lo cho công việc chung nhà trường, mà ít ai thấu hiểu được nỗi niềm cuộc sống riêng với bao khó khăn, thử thách. Cũng chính vì những vất vả trong cuộc sống đời thường mà cô đành tạm gác tình cảm riêng tư để chăm lo bố mẹ và nuôi các em ăn học.

Đến khi lấy chồng, tưởng cuộc sống sẽ đỡ nhọc nhằn hơn, nhưng không lâu sau, chồng cô bị bệnh nên sức khỏe giảm sút, một mình cô phải cáng đáng gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con ăn học. Thương cô một mình sớm tối, vừa lo công việc trường lớp, vừa lo toan cuộc sống gia đình, chồng cô cũng gượng dậy làm đủ nghề từ bán cà-phê, nước mía, đến bán dạo kẹo kéo nhưng ít hôm lại lăn ra ốm đau. "Cuộc sống gia đình khó khăn, tuy nhiên, tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ hối tiếc vì quyết định chọn nghề giáo viên mầm non. Dẫu cuộc sống có khó khăn đến thế nào đi nữa, tôi vẫn chắc chắn một điều sẽ dành trọn tình yêu thương cho các em học sinh", cô Sương nói.

Nhắc đến những người giáo viên Trường mầm non An Hiệp, cũng đồng thời nhắc đến tấm lòng, đức hy sinh, sự tận tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của người giáo viên nhân dân.

Khải Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_160737_mot-long-song-chet-voi-nghe.aspx