Một mình một sân khấu đi khắp nơi

“Một mình một ngựa”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm mang sân khấu rối nước thu nhỏ của mình đến với từng gia đình, thôn xóm, trường học, và cả nước ngoài. Toàn bộ thủy đình, bể nước của anh chỉ rộng hơn 1m2 với những con rối có kích cỡ hết sức đặc biệt.

Cha của Phan Thanh Liêm là nghệ nhân Phan Văn Ngải, người làm ra chú Tễu đang được trưng bày tại bảo tàng Louvre, Pháp, đồng thời là tác giả của thủy đình mà các nhà hát, phường rối nước sử dụng hiện nay. Ép 5 tấn thành 100 kg Gia đình Phan Thanh Liêm ở thôn Trạch, xã Nam Chấn (Nam Trực, Nam Định), có tới 7 thế hệ theo đuổi nghệ thuật rối nước, có đoàn rối nước tư nhân đầu tiên của Việt Nam mang tên Song Ngọc từng đi khắp đó đây biểu diễn những tích trò như chú Tễu, chăn trâu thổi sáo, cưỡi cá dâng hoa, leo cau đốt pháo... Trong không khí ấy, từ nhỏ cậu bé Liêm đã gắn bó với con rối như thể cơm ăn, nước uống, thạo mọi công việc của nghề, từ đẽo gỗ làm rối cho tới việc lắp ghép thủy đình và biểu diễn. Sau một chuyến đi xa biểu diễn phục vụ công nhân dầu khí tại Vũng Tàu, anh nhận ra sự bất tiện và tốn kém của những sân khấu rối nước quy mô lớn. Phan Thanh Liêm nghĩ đến một mô hình thu nhỏ, cơ động để có thể đến với từng ngõ ngách, từ thành phố lớn đến các vùng quê. Vậy là, từ những năm 1990, anh bắt đầu mày mò thiết kế sân khấu rối nước thu nhỏ, dù cha của anh là người đầu tiên lên tiếng phản đối với lý do “không thể gom hệ thống thủy đình và các con rối truyền thống vào 1m2 được!”. Năm 2001, sân khấu rối nước mi-ni “made by Phan Thanh Liêm” lần đầu xuất hiện và nhanh chóng gây ấn tượng bởi vẫn giữ nguyên những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống, nhưng tiện lợi hơn nhiều, kích thước con rối nhỏ hơn và chỉ cần một người biểu diễn. Với sân khấu này, một mình anh đảm đương mọi công đoạn, từ tạo hình con rối, lắp ráp, hậu đài, điều khiển... Từ đó, Phan Thanh Liêm cùng sân khấu của mình rong ruổi trên khắp nẻo đường để đến với các trường học, trung tâm trẻ em tàn tật, vùng sâu vùng xa, nhiều nơi còn chưa có ánh điện... Thậm chí, anh còn đưa hệ thống thủy đình của mình lên tới những tòa nhà cao tầng, nơi mà ít ai nghĩ rằng rối nước có thể đến được. Các khán giả nhí ngồi quây quần quanh sân khấu, thích thú với chuyển động của con rối cùng những câu chuyện thú vị mà từ phía sau tấm rèm nhỏ xíu, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm điều khiển như đang làm “ảo thuật”. Anh có thể điều khiển cùng lúc hai, ba con rối, thậm chí 8 con rối trong tích Bát tiên. Từ những thành công ban đầu, Phan Thanh Liêm cải tiến sân khấu của mình sang hình bán nguyệt với quy mô lớn hơn một chút, nhưng toàn bộ đạo cụ cũng chỉ vẻn vẹn hơn 100 kg, trong khi nhà hát Múa rối Thăng Long muốn ra nước ngoài biểu diễn phải huy động tới 5 tấn đạo cụ và trên dưới 10 diễn viên. Rong ruổi ra cả nước ngoài Nhờ những ưu thế đó, Phan Thanh Liêm đưa sân khấu của mình đi khắp nơi ở trên thế giới như Italia, Ba Lan, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... với những tiết mục diễn rồng, chọi trâu, chú Tễu… được bà con Việt kiều và người nước ngoài thích thú. Mỗi suất diễn 30 phút, anh có thể diễn 10 tiết mục. Có những ngày trời giá rét, diễn liên tục 7 - 8 suất, đôi tay tưởng như đóng băng, nhưng anh vẫn cố gắng tập trung vào từng động tác của con rối. Trong chuyến anh lưu diễn tại Ba Lan, một người phụ nữ bản xứ say sưa xem hết tiết mục này đến tiết mục khác và tìm gặp riêng anh để trò chuyện. Hóa ra, bà từng đến Việt Nam du lịch và được xem loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Bà không ngờ mình có cơ hội xem rối nước lần thứ hai ngay tại quê nhà. Bà mời Phan Thanh Liêm tới ngôi trường học nơi bà làm hiệu trưởng để biểu diễn cho các em bé Ba Lan. Tháng 4/2008, Phan Thanh Liêm được Tổ chức Múa rối Thế giới UNIMA kết nạp làm thành viên. Những người trước đây phản đối anh giờ cũng công nhận tính ưu việt của mô hình này. Được khích lệ, anh càng ấp ủ nhiều dự định mới như nghiên cứu bộ điều khiển rối, tìm hiểu các tích trò dân gian cho sân khấu rối nước. Anh cho biết đang cùng đồng nghiệp dàn dựng vở kịch rối Lý Công Uẩn để chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/vanhoa/Mot-minh-mot-san-khau-di-khap-noi/200910/64191.datviet