Một năm sau đảo chính: Cơ hội và thách thức của Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/7/2016 đã có tác động lớn đến đất nước này trong suốt một năm qua.

Hôm nay (15/7) đánh dấu tròn 1 năm xảy ra cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện này đã có những tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Một năm đã trôi qua, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được đặt trong tình trạng an ninh khẩn cấp, nền chính trị bị chia rẽ, trong khi các mối quan hệ đối ngoại cũng chịu tác động không nhỏ.

Thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BBC.

Một ngày trước thời điểm tròn một năm xảy ra cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải 7.000 cảnh sát, binh sĩ và quan chức các bộ theo một sắc lệnh công bố cùng ngày. Trong một năm qua đã có rất nhiều chiến dịch của cảnh sát nhằm vào những người có liên quan đến Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, bị nước này cho là đứng đằng sau âm mưu . Tính đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 50.000 người tình nghi liên quan và sa thải 150.000 người khác trong đó có nhiều viên chức, cảnh sát, giáo viên, binh lính... với cáo buộc liên hệ với các tổ chức khủng bố.

Vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7/2016 này đã khiến hơn 240 người thiệt mạng.

Tất cả những con số này đã phần nào cho thấy mức độ rối ren hiện nay trong bức tranh chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính hồi năm ngoái.

Trong một phát biểu nhân dịp này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định tiếp tục duy trì lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh đất nước:  “Chúng ta nên làm gì với tất cả những điều đã xảy ra: dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, điều  này chắc chắn sẽ chưa thể làm được lúc này. Bởi có những thế lực đang tìm cách kiểm soát lực lượng vũ trang của chúng ta khi tìm cách xâm nhập vào các cơ quan, bộ ngành. Chúng ta sẽ không cho phép điều này, bởi đây là kết quả của hàng chục năm nỗ lực. Lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ chỉ kết thúc khi điều kiện bộ máy nhà nước hoàn toàn được thanh lọc.”

>> Xem thêm:

Theo các nhà phân tích, với vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm ở cả 2 lục địa Á-Âu và được coi là vùng đệm giữa châu Âu và khu vực Trung Đông nhiều bất ổn, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo có mối quan hệ tương đối gần gũi với phương Tây và kể từ sau khi gia nhập NATO năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành “pháo đài phía Đông của nền dân chủ phương Tây”, được xem là một trụ cột của cấu trúc an ninh Trung Đông và châu Âu.

Dù cuộc đảo chính không làm chệnh hướng tất cả những mối quan hệ này, song lại là một hồi chuông cảnh báo với quan chức phương Tây rằng một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tiến gần sát tới thảm hoạ chính trị. Điều này được thể hiện rõ ở quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ khi Giáo sư Gulen, người bị cho là đứng đằng sau sự kiện này đang sống lưu vong tại Mỹ. Cùng với đó là quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức, một cường quốc phương Tây khác luôn trong tình trạng căng thẳng suốt một năm vừa qua, liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Dẫu vậy, một năm qua cũng chứng kiến những chuyển biến tích cực tại Thổ Nhĩ Kỳ, đó là vai trò ngày càng tăng trong giải quyết các vấn đề quốc tế, phần nào lấy lại hình ảnh của đất nước. Đó là sự đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán hòa bình Syria hay trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, sau thời gian đầu căng thẳng, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh cũng đang dần được cải thiện. Các quan chức Mỹ thời gian gần đây đã liên tục có những tuyên bố nhằm xoa dịu đồng minh quan trọng này.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ và nhân dân nước này: “Tất cả chúng ta đang ở đây, ở Istanbul trong khoảnh khắc đáng nhớ này. Gần một năm trước, người dân Thổ Nhĩ Kỳ dũng cảm đứng lên chống lại âm mưu đảo chính, bảo vệ nền dân chủ của họ. Hãy lấy giây phút này để ghi nhận tinh thần quả cảm của họ, cũng như để tưởng nhớ đến các nạn nhân trong sự kiện ngày 15/7 năm ngoái".

Còn với Đức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hồi tuần trước cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Merkel bên lề Hội nghị cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20). Dù diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng thời gian vừa qua, song hai nhà lãnh đạo cũng đã có những động thái cho thấy thiện chí hòa giải.

Tất cả những điều này đã một lần nữa cho thấy, cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái không chỉ đặt ra cho chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ những thách thức, mà cả cơ hội. Đó là cơ hội để thay đổi và để hợp tác vì sự phát triển của đất nước./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/mot-nam-sau-dao-chinh-co-hoi-va-thach-thuc-cua-tho-nhi-ky-647997.vov