Một ngày mặc chiếc áo lam

Ông Hai lắng tai nghe tiếng ồn ào từ nhà ông Tư vọng sang. Nhà ông Tư từ hồi nào đến giờ có khi nào vợ chồng to tiếng đâu, hôm nay bỗng dưng có tiếng cãi vã lẫn tiếng bát đĩa vỡ nữa mới lạ chứ?

Nhìn thấy ông Hai sang, bà Tư lên tiếng trước:

- Tại ông không ngó ngàng chi đến con cái cho nên thằng Út mới nên nỗi này, hu hu…

Ông Tư với cái giọng lè nhè có hơi men:

- Tôi nói cho bà biết, con hư tại mẹ, bà cứ cưng chiều nó nhiều vào…

Bà Tư không chịu thua:

- Tại ông hết, đi làm cả ngày tối về là đàn đúm nhậu nhẹt đến say xỉn rồi đi ngủ, có hay biết gì đến con cái đâu…

Ông Hai là người có uy tín trong xóm phố này, ông đã hòa giải nhiều trường hợp mâu thuẫn vợ chồng như thế này cho nên có kinh nghiệm. Hèn chi cả tuần nay ông gọi điện mời ông Tư sang uống trà sáng nhưng ông Tư không nghe máy là do chuyện thằng Út, chắc cậu Út nhà này lêu lổng, kết quả học tập yếu kém chăng? Sự xuất hiện của ông Hai làm cho cơn tức giận của vợ chồng ông Tư giảm bớt rõ rệt và ông Hai đã nhanh chóng giúp họ hòa giải.

Trong buổi trà sáng hôm sau, ông Hai không gọi nhưng ông Tư lại sang chơi và bộc bạch:

- Ông Hai à, thú thiệt với ông, thằng Út của tôi bị nhốt ở đồn công an mấy ngày nay vì liên can đến một vụ mất xe đạp điện. May là cái thằng chủ mưu khai thằng Út chỉ đi theo thôi, tôi đã làm giấy cam đoan bảo lãnh cho cháu về, rất mừng cho cháu là nhà trường chỉ kiểm điểm. Tôi buồn lâu nay không sang uống trà nhà ông là vậy.

- Những tai họa xảy ra hầu hết là do mình. Thằng Út hư hỏng là do ông bà ít quan tâm dõi theo từng bước đi của nó, cho nên nó mới đi la cà vào quán game, và… may chưa dấn sâu vào tội lỗi là phúc lắm rồi. Đây là một hồi chuông báo động cho các bậc phụ huynh dù có bận rộn bao nhiêu cũng nên dành chút thời gian quan tâm đến con cái nhiều hơn, nếu thả lỏng không quản lý thì chúng rất dễ hư hỏng. Ông Hai chia sẻ.

Thấy ông Tư ngồi uống trà với vẻ mặt sầu não, ông Hai bèn rủ ông Tư ngày mai đi chùa tham dự “Khóa tu niệm Phật”, biết đâu đây là cơ duyên để ông Tư chuyển hóa chuyện phiền não gia đình.

- Hay là ngày mai ông cùng tôi đi chùa tham dự khóa tu, nếu ông đồng ý tôi sẽ biếu ông chiếc áo tràng màu lam.

Ông Tư ấp úng:

- Nói thiệt với ông, lâu nay tôi chưa quen đi lễ chùa… Ông dừng lại một lát rồi tiếp, thôi được, mai tôi sẽ đi chùa với ông vì ở nhà tôi thấy bực bội lắm rồi.

Ông Hai mừng lắm.

- Đừng lo, ông cứ đứng cạnh và làm theo tôi là được.

Lần đầu tiên tham dự khóa tu, một ngày tu học gồm: kinh kệ, tịnh tọa, nghe pháp, kinh hành, niệm Phật, dùng cơm trong im lặng… mọi việc đối với ông Tư đều mới lạ. Điều bất ngờ thú vị với ông là câu chào “A Di Đà Phật”, người ta chào nhau thân tình với đôi tay chắp ngang ngực.

Nhờ tâm tư lắng dịu, nhờ năng lượng an tịnh của khóa tu, ông Tư bắt đầu có sự chuyển hóa, vẻ mặt ông trở nên vui hơn so với cái khuôn mặt phiền não nhăn nhó thường trực hơn tuần nay.

Một ngày tu học đi qua rất nhanh, trên đường về ông Hai hỏi:

- Ông thấy thế nào? Ăn chay được không?

Ông Tư bỗng nở một nụ cười, nụ cười cả tuần nay vắng bóng trên môi ông:

- Tôi thật lòng cám ơn ông! Một ngày mặc chiếc áo lam, tôi thật sự thấy nhẹ trong lòng. Bữa cơm chay trưa nay ngon hơn bao giờ hết. Từ nay khi nào ông đi chùa thì nhớ gọi tôi đi với nhé!

Lê Đàn/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/mot-ngay-mac-chiec-ao-lam-post32756.html