Một nhân viên y tế 12 năm nhận lương tối thiểu

12 năm công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương, đến nay, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân vẫn hưởng mức lương tối thiểu: 650.000 đồng một tháng.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân được Trung tâm y tế huyện Thanh Chương (nay là Bệnh viện Thanh Chương) ký hợp đồng lao động từ năm 1997 và được phân công công tác tại khoa Dược. Lúc bấy giờ, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, tiến sỹ Phạm Ứng, có công văn cho phép Trung tâm Y tế Thanh Chương ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng đối với chị Vân. Nếu sau thời hạn hợp đồng, chị Vân hoàn thành tốt công việc sẽ được xét vào biên chế. Theo trình bày của chị Vân, sau ngày hợp đồng 12 tháng đầu tiên hết hiệu lực, chị đã xin nhận xét của khoa và được lãnh đạo khoa và công đoàn đánh giá: liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị đã làm đơn xin được vào biên chế. Tuy nhiên, đơn của chị không được chấp nhận với lý do: không có định biên. Cũng từ đó, chị “không phải” ký hợp đồng lao động nữa và bệnh viện vẫn cứ bố trí công việc cho chị như cũ. Đến năm 2003, bệnh viện thay giám đốc, chị Vân một lần nữa viết đơn xin vào biên chế. Tuy nhiên, lúc này, chị vẫn không được xét vì: quá tuổi biên chế, trình độ không phù hợp, mặc dù trước đó chị Vân đã thi công chức và đạt kết quả 19/20 điểm. Sau khi Bệnh viện Thanh Chương có công văn xin ý kiến Sở Y tế, Giám đốc Phạm Ứng đã chỉ đạo Bệnh viện Thanh Chương ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với chị Vân. Dù thế, bệnh viện này vẫn không chấp hành mà bố trí cho chị công việc như cũ. Năm 2005, chị Vân tiếp tục gửi đơn xin được vào biên chế Nhà nước nhưng tiếp tục bị từ chối. Lý do lúc này của bệnh viện là: hết cơ cấu định biên, chị Vân hết tuổi quy hoạch công chức. Cùng với quyết định này là báo cáo của Hội đồng tuyển dụng bệnh viện cho rằng, năng lực làm việc của chị Vân kém. Trong khi đó, công đoàn bộ phận và Trưởng khoa Dược lại đánh giá chị Vân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2006, Giám đốc Bệnh viện Thanh Chương, ông Lê Viết Thủy, giải quyết sự việc bằng cách "ưu ái" cho chị Vân được ký lại hợp đồng với thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, chị Vân từ chối sự "ưu tiên" này. Chị cho rằng, sau khi ký hợp đồng lao động thời hạn 12 tháng từ năm 1997, Bệnh viện không ký lại hợp đồng lao động với chị mà vẫn bố trí làm việc thì đương nhiên hợp đồng đó trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Do vậy mà chị không thể ký lại bất kỳ hợp đồng nào. Sai vẫn không sửa Trước sự ép buộc quá vô lý, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân đã làm đơn gửi đến Sở Y tế Nghệ An. Thanh tra sở kết luận: "Trung tâm Y tế thanh Chương (nay là Bệnh viện đa khoa Thanh Chương) để thời gian kéo dài,, không ký hợp đồng lao động cũng như không chấm dứt hợp đồng lao động mà sử dụng lao động không có hợp đồng đối với bà Nguyễn Thị Cẩm Vân là sai. Khi Hội đồng xét tuyển của Trung tâm Y tế Thanh Chương xin ý kiến Sở Y tế để chấm dứt hợp đồng lao động với bà Vân thì cung cấp thông tin không đầy đủ, thậm chí sai giữa hội đồng xét tuyển và công đoàn cơ sở". Trao đổi với Đất Việt, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thanh Chương, ông Nguyễn Viết Thủy, khẳng định: "Hướng giải quyết của chúng tôi là vẫn cứ ký hợp đồng lao động có thời hạn với chị Vân, không thể làm khác. Vì chỉ có ký hợp đồng như thế thì mới tăng lương lên 800.000 đồng một tháng. Còn nếu cứ thực hiện như cũ thì lương chị Vân chỉ có 650.000 đồng một tháng". Trả lời câu hỏi, tại sao khi Sở Y tế có công văn chỉ đạo ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với chị Vân, trung tâm vẫn không ký, ông Thủy nói: "Mặc dù Sở có công văn đồng ý như thế nhưng chức năng và quyền hạn của chúng tôi lúc bấy giờ không được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn". Tuy nhiên, ông Thủy cũng công nhân: "Theo luật, sau một thời gian hiệu lực hợp đồng lao động đã hết mà người sử dụng không ký tiếp hợp đồng nhưng vẫn sử dụng lao động thì đương nhiên hợp đồng đó được coi là không xác định thời hạn. Nhưng ở đây cũng tại chị Vân lúc đó không yêu cầu ký lại hợp đồng".

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Mot-nhan-vien-y-te-12-nam-nhan-luong-toi-thieu/200910/63688.datviet