Một Ninh Bình địa linh, nhân kiệt

Ninh Bình là tỉnh bé, diện tích chỉ 1.378,1km2 với dân số ngót nghét 1 triệu người sinh sống trên 6 huyện, 2 thành phố. Bé vậy, nhưng khó có thể sáp nhập với tỉnh nào bên cạnh bởi vùng đất ấy có nền văn hóa độc đáo rất riêng.

Tràng An sông núi hiền hòa như tâm hồn, khí chất người Ninh Bình.

Hồn cốt vùng đất cố đô

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư quê hương là kinh đô. Kinh đô này tồn tại được 41 năm với sự chuyển tiếp 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. Đại Cồ Việt là nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam sau một thời gian dài Bắc thuộc.

Năm 1010, Lý Thái Tổ lên ngôi khi đất nước trên đà hưng thịnh, Hoa Lư không còn phù hợp với vận mệnh phát triển mới, nhà vua dời đô về Thăng Long. Từ đó Hoa Lư trở thành cố đô. Thực chất đã có thời gian các cố đô khác như Tây Đô, Huế là kinh đô thay Thăng Long Hà Nội nhưng mốc son lịch sử phát triển của Hà Nội được xác định từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư. Hoa Lư được xem là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở nước ta.

Mặc dù chỉ tồn tại 41 năm với tính chất kinh đô mang màu sắc quân sự nhưng chất cố đô đã ảnh hưởng, góp phần tạo nên tính cách người Ninh Bình. Sự hào hoa phong nhã, phong lưu nhưng rất tinh tế như một sự thừa hưởng tính cách của tầng lớp quý tộc phong kiến. Người Ninh Bình hiền lành, nhỏ nhẹ, ít khi to tiếng. Mọi sự từ việc nhỏ trong gia đình, xóm giềng đến chuyện lớn trong tỉnh, tất cả đều diễn ra cởi mở, kết thúc nhẹ nhàng. Có thể đó là ảnh hưởng của vùng địa văn hóa với núi non trùng điệp của một Hạ Long trên cạn, là ảnh hưởng của hàng trăm hồ ao quanh năm hiền hòa và sông Vân núi Thúy bình an.

Nhưng đó cũng chính là nét tính cách “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nét tính cách này đồng nhất con người xứ Huế, Thăng Long. Đáng tiếc đất Thăng Long – kinh kỳ đã bị pha tạp nhiều nên “chất” cố đô cũng bị phôi pha. Còn ở Ninh Bình, sự ổn định trong cấu trúc dân cư đã nuôi dưỡng được mạch ngầm tính cách thanh lịch dù có lúc cuộc sống gặp vô vàn khốn khó.

Hơn nữa, văn hóa truyền thống Ninh Bình vừa có nét riêng bản địa, vừa mang sắc thái vùng miền do yếu tố hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn minh, văn hóa tích hợp. Ninh Bình có đủ cả rừng, biển, trung du, miền núi và đồng bằng - là hình ảnh về một đất nước Việt Nam thu hẹp. Nơi đây vừa là gạch nối, vừa là ngã ba của ba nền văn hóa lớn sông Hồng - sông Mã - Hòa Bình. Đó là kết tinh văn hóa của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với hệ thống các con sông hiền hòa, dịu mát.

Địa linh…

Ninh Bình “là nơi chứa những vật báu của trời, nơi nổi tiếng có nhiều thắng cảnh”. Những danh thắng như sông Vân, núi Thúy đã đi vào huyền thoại, là biểu tượng của Ninh Bình. Bởi đây là một vùng “tứ giác nước” được tạo bởi sông Đáy, sông Hoàng Long và sông Vân nên Ninh Bình nổi tiếng với nhiều hang động kỳ thú như: Tam Cốc, Bích Động, động Thiên Tôn, động Hoa Sơn, động Bàn Long, động Tam Giao, động Mã Tiên... Bích Động thời phong kiến đã được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì dưới trời Nam, sau Hương Tích ở Hà Tây). Địch Lộng là “Nam thiên đệ tam động”…

Thắng cảnh đã đẹp nổi tiếng, còn nổi tiếng hơn bởi dấu chân của tao nhân mặc khách và các đấng quân vương. Các đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hóa lớn như Trương Hán Siêu, Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Xuân Quỳnh về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hóa thành thi ca. Chỉ riêng núi Thúy còn đến hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ qua các triều đại. Nhân cách bác học và phẩm cách văn hóa lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hóa địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hóa Ninh Bình.

Bên cạnh các hang động với cảnh đẹp hút hồn bao đời nay, Ninh Bình có hệ thống đình chùa nổi tiếng, đặc biệt nơi đó có dấu ấn của nhiều bậc quân vương. Chùa Bàn Long đã được chúa Trịnh Sâm đến thăm và đặt tên là “Bàn Long Tự”. Chùa Bích Động chúa Trịnh Sâm cũng đến thăm và đặt tên là “Bích Động”. Chùa Địch Lộng đã được vua Minh Mạng đến thăm và tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động”.

Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm chùa Địch Lộng và ban tặng cho chùa 100 quan tiền. Chùa Hoa Sơn, vua Tự Đức cũng đến thăm và đặt tên cho chùa là Hoa Sơn... Ngoài ra, một số chùa ở Ninh Bình còn được nhà vua trực tiếp cho xây dựng. Chùa Sở ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư do vua Trần Thái Tông xây khi về đây lập Hành cung Vũ Lâm. Vua Trần Thái Tông còn lập ra chùa A Nậu thuộc thôn Đái Nhân, nay thuộc thành phố Ninh Bình, cấp cho chùa 160 sào ruộng...

… sinh nhân kiệt

Lịch sử, địa lý Ninh Bình thay đổi theo từng thời đại nhưng vẫn sáng mãi niềm tự hào là mảnh đất sinh ra những hào kiệt từ xưa tới nay. Dải đất này đã được các nhà chiến lược quân sự từ thời phong kiến coi “là cổ họng giữa Bắc, Nam” (Đại Nam nhất thống chí) nên bao cuộc hành quân thần tốc vào Nam hay ra Bắc vẫn âm vang mặt đất nơi này. Đất Ninh Bình ken dày vết chân lịch sử. Kinh đô Hoa Lư với ngót nửa thế kỷ của hai vương triều Đinh - Lê dựng nền chính thống, độc lập. Nơi hoạch định kế sách và phát xuất các đạo hùng binh năm 981 - 982 phá Tống, bình Chiêm, Lê Đại Hành đã kiến tạo võ công oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hoa Lư cũng là nơi khai sinh ra vương triều Lý với áng văn “Chiếu dời đô” lịch sử…

Tinh anh sông núi, hoàn cảnh lịch sử khiến vùng đất ấy đã sinh ra những “nhân kiệt” như anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, các danh tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Hoàng hậu Dương Vân Nga, Quốc sư Nguyễn Minh Không, nhà thơ Trương Hán Siêu, bảng nhãn Vũ Duy Thanh, tiến sĩ Ninh Tốn, danh nhân văn hóa Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật... Trải hàng nghìn năm lịch sử, danh nhân hào kiệt đất Ninh Bình đời nào cũng có.

Trong thời điểm hiện tại có thể kể Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành… Chính yếu tố “địa linh”, “nhân kiệt” là nhân tố quan trọng và chủ yếu làm nên gương mặt lịch sử - văn hóa Ninh Bình qua các thời đại.

(* Bài viết có sử dụng nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu, đồng nghiệp nhưng do khuôn khổ bài báo nên không thể trích rõ nguồn. Tác giả chân thành cảm ơn và xin thứ lỗi vì sự bất tiện này).

Xuân Hùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/mot-ninh-binh-dia-linh-nhan-kiet-634120.bld