Một số văn bản kiểm tra chuyên ngành đã đổi mới phương pháp kiểm tra

Mặc dù những hạn chế trong công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK còn tồn tại rất lớn, nhưng một số văn bản KTCN do các bộ, ngành ban hành đã đổi mới phương pháp KTCN theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, NK, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan.

Công chức Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kiểm tra hàng hóa XK. Ảnh: Hồng Nụ

Trong thời gian qua, các bộ quản lý chuyên ngành đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong việc xây dựng và ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN kèm mã số HS.

Theo rà soát của Tổng cục Hải quan, một số bộ quản lý chuyên ngành khi ban hành văn bản đã đưa quy định miễn, giảm, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế đối với hàng hóa thuộc đối tượng KTCN và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin. Chẳng hạn Thông tư số 52/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm NK và hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm XK thay thế Quyết định số 23/2007/TT-BYT, Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT quy định về quản lý thuốc thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hay Thông tư số 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương đã chuyển thời điểm dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng sang sau thông quan.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa NK theo tinh thần mới, tạo điều kiện thuận lợi cho DN như đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian KTCN, quy định về miễn kiểm tra hàng NK, và đẩy mạnh sang áp dụng biện pháp hậu kiểm.

Bên cạnh đó, các bộ quản lý chuyên ngành đã tích cực tham gia Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến tháng 7/2017 đã có 11 Bộ, ngành kết nối. Số lượng thủ tục hành chính đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia (chưa kể Bộ Tài chính) là 39 thủ tục. Trong đó Bộ Giao thông vận tải - 12 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9 thủ tục; Bộ Y tế - 5 thủ tục; Bộ Công Thương - 6 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường - 4 thủ tục; Bộ Khoa học và Công nghệ - 1 thủ tục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - 1 thủ tục; Bộ Thông tin và Truyền thông - 1 thủ tục; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - 1 thủ tục. Bộ Quốc phòng đã kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại một số cảng biển quốc tế.

Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến ngày 15/8 là 478,8 nghìn bộ, với sự tham gia của khoảng 13.600 DN.

Mặc dù các bộ, ngành đã có sự quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, KTCN và đạt một số kết quả. Tuy vậy, những bất cập trong công tác quản lý chuyên ngành vẫn rất lớn, là “rào cản” trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, gây kéo dài thời gian thông quan và tốn nhiều chi phí của DN.

Theo kết quả rà soát của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đến 30/7/2017 có tới trên 50% số văn bản quy phạm pháp luật về KTCN của các bộ cần phải sửa đổi, bổ sung đều chưa đảm bảo về thời gian và yêu cầu tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg và yêu cầu tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

Một số danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN do các bộ quy định còn nhiều, phạm vi rộng, trong số đó nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ để thực hiện việc kiểm tra. Nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một Bộ hoặc nhiều Bộ quy định.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mot-so-van-ban-kiem-tra-chuyen-nganh-da-doi-moi-phuong-phap-kiem-tra.aspx