Một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ

Tiếp tục chương trình của Phiên họp thứ 31, chiều 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về các nội dung: bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; hệ thống giao thông thông minh; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, căn cứ ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật hiện hành và trao đổi, thống nhất với Ban soạn thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tiếp thu tối đa ý kiến ĐBQH, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm thống nhất giữa hai dự thảo Luật.

Đối với quy định về hệ thống giao thông thông minh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị trong dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo (ảnh: VPQH cung cấp).

Về quy định giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xây dựng 2 phương án quy định điểm c khoản 2 Điều 32 trong dự thảo Luật như sau:

Phương án 1: quy định cho phép Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ tại điểm c khoản 2 Điều 32; đồng thời bổ sung quy định sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công tại khoản 4, khoản 5 Điều 90 của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Phương án 2: cơ bản giữ nội dung điểm c khoản 2 Điều 32 như dự thảo Luật Chính phủ trình, nhưng bổ sung nội dung điểm đ khoản 3 Điều này quy định việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về ngân sách và pháp luật có liên quan.

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Đối với hoạt động quản lý, vận hành khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho quy định theo hướng điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ đó cho UBND cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó bổ sung điểm c khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về quy định chung đối với đường cao tốc, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực; mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quy định chi tiết. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong dự thảo Luật.

Về đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc, về cơ bản việc giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch không làm tăng đáng kể tổng mức đầu tư dự án nhưng lại đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và về tổ chức thực hiện dự án. Đối với điểm hạn chế về quản lý, sử dụng phần đất chưa đầu tư xây dựng tại giai đoạn phân kỳ, có thể áp dụng một số giải pháp như trồng cây xanh để tạo cảnh quan, tận dụng phần đất này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình.

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về phí sử dụng đường cao tốc, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với nội dung này trong dự thảo Luật Chính phủ trình và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí như quy định tại Điều 90 dự thảo Luật.

Về trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ đã được xác định tại Quyết định số 165/QĐ-TTg nhằm tăng cường quản lý về an ninh trật tự, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Quyết định số 165/QĐ-TTg chưa xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án. Nếu quy định đây là nội dung bắt buộc trong đầu tư xây dựng đường cao tốc sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống đường cao tốc. Vì vậy, đề nghị UBTVQH cho ý kiến và đề nghị Chính phủ đánh giá tác động bổ sung đối với chính sách này.

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất với đề nghị bổ sung điểm a khoản 3 Điều 90 để quy định sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời đề nghị cho bổ sung điểm c khoản 3 Điều 90 của dự thảo Luật để quy định việc sửa đổi, bổ sung Luật PPP về bố trí vốn theo phương thức “hòa chung với vốn thực hiện dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án”.

Về hiệu lực thi hành, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn các công việc đang triển khai trong ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 2 nội dung có hiệu lực sớm từ ngày 1/10/2024 gồm: quy định về thanh toán điện tử giao thông (Điều 46) và quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác (Điều 54, Điều 90).

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/mot-so-van-de-lon-ve-viec-giai-trinh-tiep-thu-chinh-ly-du-thao-luat-duong-bo-154818.html