Một tấm lòng tìm thấy một tấm lòng...

Một nghệ sĩ làm sách về một nghệ sĩ, một phóng viên ảnh viết về một phóng viên ảnh… sự đồng cảm vì thế chắc sẽ lớn và sẽ nhiều.

Kỳ công 3 năm

Xây dựng chân dung một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng - Nick Út, phóng viên ảnh của hãng thông tấn Associated Press (AP), người đã có ít nhất gần 50 năm cầm máy ảnh, người đã trở thành “huyền thoại” cùng với bức ảnh huyền thoại của ông chụp cô bé Kim Phúc bị bom napalm tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1972; bức ảnh này được thế giới quen gọi bằng cái tên “Napalm girl” từng làm chấn động lương tri nhân loại về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam; được xếp thứ 41 trong 100 bức hình có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 và giúp Nick giành giải Pulitzer danh giá khi mới vừa 19 tuổi… thì đúng là không gì hơn phải “nói” bằng ảnh. Những bức ảnh chụp Nick, những bức ảnh Nick chụp, những bức ảnh chân dung, những bức ảnh thời sự, những bức ảnh mới tinh, những bức ảnh đã có tuổi đời trên dưới 40 năm…

Những bức ảnh ấy, với chú thích đi kèm, khi dài, khi ngắn, là những tâm tình của những người bạn của Nick, tâm tình của những nhà báo đã gặp và viết về Nick, tâm tình của những người yêu ảnh của Nick, yêu tấm lòng và trái tim của Nick - lúc nào cũng thật nồng nhiệt và hết mình - thể hiện trong những tấm ảnh… Tất cả, làm nên một “Phóng viên Nick Út - huyền thoại giản dị” (NXB Thông tấn xuất bản, mới tinh vì vừa nộp lưu chiểu tháng 4/2014).

“Phóng viên Nick Út - huyền thoại giản dị” gồm 200 trang sách, với tổng cộng 37 bài viết và 182 bức ảnh, được chia thành các chủ đề chính: Phóng sự ảnh Nick Út về thăm quê nhà; tác phẩm của Nick Út; Nick Út qua góc nhìn của Giản Thanh Sơn và cuối cùng là những hình ảnh gây chấn động thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam của Nick Út và nhiều phóng viên quốc tế. Ở đó, mỗi trang sách được in cút xê dầy, đẹp, làm nổi bật sự hấp dẫn của ảnh đen trắng (tất cả đều là ảnh đen trắng) đều không chỉ đơn thuần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một phóng viên ảnh Nick Út, một huyền thoại gốc Việt; mà mỗi độc giả, mỗi nhà báo, mỗi phóng viên ảnh, dù trẻ, dù già của Việt Nam đều có thể hiểu thêm về “nghề nguy hiểm” của nhà báo, đồng thời qua đó, có thể rút ra những kinh nghiệm hay trong công việc làm báo của mình.

Bức ảnh “Napalm-girl” thức tỉnh lương tri nhân loại của Nick Út.

“Phóng viên Nick Út - huyền thoại giản dị” là công trình của tác giả Giản Thanh Sơn (chủ biên), người được mệnh danh là “dấn thân và đam mê”, người từ một phóng viên tỉnh lẻ trở thành một cái tên được nhiều người biết đến, gắn với những bức ảnh nguyên thủ, với những cuốn sách ảnh về những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước. Tác giả Giản Thanh Sơn chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với Nick Út, một con người đã đi vào huyền thoại, nổi tiếng nhưng luôn có cách sống giản dị, hòa đồng với mọi người và luôn dành nhiều tình cảm đối với Việt Nam. Cuốn sách này được tôi ấp ủ hơn ba năm trời và quyết tâm thực hiện nó với sự hỗ trợ, giúp đỡ hết sức tích cực của bạn bè, đồng nghiệp cũng như chính nhân vật trong cuốn sách Nick Út”.

Tác giả Giản Thanh Sơn cho biết thêm, trong 3 năm qua, cứ mỗi khi thấy có các bài viết giới thiệu, phỏng vấn Nick Út trên báo chí, ông đều sưu tầm, lưu giữ. Bên cạnh đó, trong sách có một số bài viết, phỏng vấn mới là do ông lựa chọn tác giả, trực tiếp đặt viết. Đặc biệt, trong số 37 bài viết này, có một bài do chính Giản Thanh Sơn viết về bức ảnh “thức tỉnh lương tri” của Nick Út, bài viết mang tên “Bức ảnh đánh thức lương tri thế giới” và đi kèm là bức ảnh Nick Út trả lời phỏng vấn của Giản Thanh Sơn tại TP Hồ Chí Minh năm 2009, do Huỳnh Ngọc Dân chụp.

Ba năm để ấp ủ một dự định, thêm 35 đêm trắng (vì ban ngày còn phải làm việc) cùng với các cộng sự của mình cùng nhau biên tập, lựa chọn hình ảnh, thiết kế - để ngày 23/4 vừa qua, cuốn sách - tư liệu quý về một phóng viên ảnh huyền thoại và giản dị mang tên Nick Út mà cả thế giới biết đến, đã ra đời. Như một món quà chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4.

Cùng một trái tim đồng cảm…

Giản Thanh Sơn viết về Nick Út thế này: “Cách đây đúng 42 năm, ngày 12/6/1972, một bức ảnh được đăng trang trọng ở trang nhất của nhiều nhật báo lớn ở Hoa Kỳ và thế giới đã khiến dư luận phẫn nộ. Bức ảnh ấy mô tả cảnh tượng hãi hùng: Một bé gái 9 tuổi bị cháy bỏng bởi bom napalm, đang chạy trên con đường nhựa ở gần Trảng Bàng - Tây Ninh. Bức ảnh đã góp phần làm dâng cao làn sóng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tiến hành tại Việt Nam lúc bấy giờ. Tác giả bức ảnh chính là Huỳnh Công Út - Nick Út, sinh ngày 29/3/1951 tại huyện Châu Thành - tỉnh Long An, phóng viên ảnh của hãng thông tấn Associated Press (AP). Tác phẩm đã mang về cho Huỳnh Công Út giải Pulitzer và anh trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới với tên gọi quen thuộc là Nick Út…”.

Tác giả Giản Thanh Sơn và cuốn sách nhiều tâm huyết của ông.

Kể với Giản Thanh Sơn về bức ảnh vốn đã quá nổi tiếng, đã quá quen thuộc và là “biểu tượng” của nhiếp ảnh Việt Nam trên thế giới; đồng thời đã được bao nhiêu nhà báo khai thác, Nick Út chia sẻ: “Vì là phóng viên chiến trường nên tôi luôn có mặt tại các điểm nóng xảy ra chiến sự để chụp ảnh, làm tin cho hãng AP, điển hình như Trảng Bàng vào 12 giờ 8/6/1972 và tôi đã chứng kiến một vụ ném bom khủng khiếp từ máy bay. Lúc đó, tôi nhìn thấy một bé con đã chết trên tay mẹ. Tôi không muốn thêm một bé con nữa chết vì chiến tranh.

Tôi quay lại, bế và cùng với vài đồng nghiệp tưới nước lên lưng trần của Phúc và cấp tốc đưa Phúc về ngay một bệnh viện gần nhất ở Củ Chi. Rồi tôi vội vã trở về văn phòng AP tại Sài Gòn để tráng và rửa 8 cuộn phim Kodak 400ASA trắng đen. Sau nhiều tranh luận tại văn phòng AP Saigon, cuối cùng bức ảnh bé Kim Phúc cháy bỏng vì napalm đã được truyền đi từ Sài Gòn tới Tokyo trong thời gian 14 phút. Từ Tokyo, nó lại được truyền tự động qua hệ thống dây liên lạc ngầm dưới biển về New York và London. Sau đó, từ hai văn phòng ấy, nó lại được gửi đến các chi nhánh AP và tòa báo ở khắp thế giới”.

Câu chuyện giản dị, thậm chí chưa kể hết chuyện về hoàn cảnh ra đời của bức ảnh (tuy nhiên đó là câu chuyện gần như ai cũng biết), nhưng bức ảnh thì không giản dị chút nào! Tấm lòng của người phóng viên ảnh thể hiện trong bức ảnh cũng không giản dị! Chính vì thế, bức ảnh đen trắng với cô bé Việt Nam trần truồng, gầy guộc giang hai cánh tay chạy giữa những đứa trẻ khác, khuôn mặt đầy đau đớn và hoảng loạn, mới có thể làm rung động trái tim bất cứ ai nhìn thấy như vậy và khiến biết bao người nước ngoài đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Sau bức ảnh huyền thoại này, Nick Út còn chụp rất nhiều ảnh, ông được ví như “ông trùm”, dù là khi ở chiến trường nhiều bom đạn, chết chóc; cho tới khi cầm máy ở Holywood (Mỹ). Trong cuộc đời của mình, Nick Út cũng đã trải qua cả những trận hỏa hoạn, động đất, bạo loạn, cho tới các trận bóng chày, bóng rổ, rồi những minh tinh rời tòa hay vào nhà tù. Bất cứ thứ gì là tin tức đều thấy bóng dáng Nick Út và đều ghi dấu trong ảnh của ông.

Với Việt Nam, là quê hương, nên sự gắn bó của Nick Út cũng càng sâu sắc. Ông đã trở lại Việt Nam rất nhiều lần, đôi khi đã trở thành người nhà trên đường phố, trở thành người quen với các phóng viên ảnh, phóng viên viết của các báo ở Việt Nam. Cùng với đó, là sự quen thuộc của những bức ảnh mang tên ông trong phần tác giả, chụp về cuộc sống hiện đại của Việt Nam. Có những bức ảnh thanh bình tới mức không dám tin đó là ảnh của Nick như ảnh chụp cặp cô dâu chú rể e ấp bên bờ Hồ Gươm, phía xa là cầu Thê Húc, với chú thích “Hà Nội thanh bình”.

Thì vẫn là vậy, dù khốc liệt, dù đối mặt với những điều to tát, thậm chí những khoảnh khắc không thể lặp lại trong đời, nhưng trong mỗi nghệ sĩ, vẫn có những góc dịu dàng như vậy, những góc, nơi họ thể hiện, sự “thèm muốn” với một cuộc sống bình yên.

Với những người trải qua và chứng kiến quá nhiều biến động, mất mát như Nick, sự bình yên càng vô cùng đáng giá!

T.Anh

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su/mot-tam-long-tim-thay-mot-tam-long-20140429063840510.htm