Một 'tàu 67' gặp nạn, chìm trên biển nghi ngờ do bị tráo máy

Đó là thông tin được ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định với PV Báo Lao Động chiều 14.6.2017. Con tàu bị chìm thuộc 1 trong số tàu được đóng theo Nghị định 67/CP, cơ quan chức năng đang nghi ngờ tàu bị chết máy do máy không đảm bảo.

Những chiếc tàu ngư dân vay tiền từ BIDV do Cty Nam Triệu đóng đã hư hỏng nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: Theo NNVN.

Do tàu đã chìm dưới biển, không thể trục vớt để thẩm định, điều tra, nên không thể khẳng định được tàu này được lắp máy “thủy” hay khô. Rất may, UBND tỉnh Bình định đã chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành hỗ trợ, cứu được 12 ngư dân trên tàu cá an toàn, không ai thiệt mạng.

Trao đổi với PV về thời hạn thông báo kết quả kiểm tra 19 con tàu bị tráo máy và làm vỏ tàu bằng thép Trung Quốc, ông Trần Châu cho biết: “Đến thứ 6 tới Sở NNPTNT sẽ báo cáo sơ bộ tình hình. Vì vậy, thời gian thông báo kết luận về vụ việc các tàu vỏ thép theo Nghị định 67 có thể lùi sang đầu tuần mới để có thời gian thẩm tra kỹ chất lượng của thép được sử dụng để làm vỏ tàu cũng như máy tàu nhằm đưa ra kết luận chính xác. Thép làm bằng loại nào, hàm lượng các bon cao hay thấp phải được làm rõ, vì thép được sử dụng làm vỏ tàu phải có hàm lượng các bon cao mới đạt yêu cầu, tàu nước nào cũng vậy”.

Về thông tin ban đầu là máy tàu không được lắp bằng máy “thủy” mà bị “tráo” bằng máy “bộ”, ông Trần Châu cho rằng, đó chỉ mới là cảm tính ban đầu, cần được kiểm tra, thẩm định mới có thể kết luận. “Tuy nhiên, sản phẩm đó là của nước nào, lõi của máy ở trong có chất lượng ra sao, có đúng của hãng như đã ký hợp đồng không… thì cần thẩm định. Số liệu này sẽ giao cho bên công an thực hiện. Hiện các bên đang cam kết đền bù cho ngư dân làm lại thân tàu, máy móc, thiết bị… như mua 1 tàu mới hoàn toàn.

Nếu các đơn vị này không làm, tỉnh sẽ yêu cầu các cơ quan pháp luật vào cuộc. Nếu như máy tàu bị sử dụng sản phẩm hàng giả, hàng nhái… thì ngoài việc thay thế máy móc, đền bù thiệt hại cho ngư dân, các đơn vị này sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí xử lý theo Bộ luật Hình sự, bởi máy “bộ” là máy trên khô, sử dụng nước ngọt để làm mát máy. Còn máy “thủy” là máy chạy liên tục trên biển và được phép bơm nước mặn từ biển vào để làm mát máy. Nếu sử dụng dưới biển, chắc chắn sẽ bị nước mặn ăn mòn, vài ngày là bị hỏng hóc. Nếu tàu cá bị chết máy giữa biển sẽ rất nguy hiểm”. – ông Trần Châu khẳng định.

L.V

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/mot-tau-67-gap-nan-chim-tren-bien-nghi-ngo-do-bi-trao-may-673821.bld