Một tháng đầy sóng gió của tân Tổng thống Mỹ

Đã 30 ngày kể từ khi tỷ phú Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, điều mà người dân Mỹ đoán được là nhiệm kỳ của ông Trump sẽ rất sóng gió nhưng thực sự những chính sách của ông trong tháng đầu tiên trên cương vị Tổng thống lại "sốc" hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng.

Ngày 20-1: Ông Trump chính thức trở thành Tổng thốngthứ 45 của Mỹ. Dù số lượng người tham dự lễ nhậm chức của ông không được lớn như của Tổng thống tiền nhiệm nhưng những sự việc diễn ra bên thềm buổi lễ cũng ồn ào không kém. Những mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ bỗng chốc lộ rõ hơn bao giờ hết, các cuộc biểu tình chống đối tân Tổng thống biến những con phố sầm uất trở thủ đô Washington D.C trở nên hỗn loạn, xấu xí. Cảnh sát cho biết, hơn 200 người gây rối công cộng đã bị bắt giữ.

Ngày 21-1: Hàng trăm ngàn phụ nữ Mỹ tuần hành trên các con phố chính của nhiều thành phố lớn của Mỹ, cùng tham gia một làn sóng biểu tình quốc tế chưa từng có tiền lệ chống đối lại tân Tổng thống Donald Trump, nhạo báng và tố cáo người đứng đầu mới của đất nước. Các cuộc biểu tình này thu hút hơn 5 triệu người tham dự, vượt xa mong đợi của những người tổ chức.

Ngày 22-1: Cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Kelly Conway đã xuất hiện trong chương trình ‘Gặp gỡ Báo chí” của đài NBC, lên tiếng phản bác lại việc Thư kí báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đưa ra những thông tin không xác thực về số lượng người tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. Bà Conway cũng đáp trả lại những chỉ trích rằng chính quyền mới chỉ tập trung vào quy mô của đám đông mà chẳng để tâm đến những vẫn đề chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước.

Ngày 23-1: Tổng thống Trump ký sắc lệnh tái thiết lập lệnh cấm hoạt động tư vấn nạo phá thai được biết đến với tên gọi chính sách Mexico City, được Tổng thống Ronald Reagan công bố và thực hiện năm 1984. Sắc lệnh này có ảnh hưởng đến các tổ chức phi chính phủ của Mỹ hoạt động trên phạm vi quốc tế. Đây là một trong những chính sách thể hiện sự đối lập giữa các đời Tổng thống Mỹ, cứ Tổng thống đảng Dân chủ nào bãi bỏ thì Tổng thống đảng Cộng hòa lại ký sắc lệnh khôi phục.

Ngày 24-1: Tổng thống Trump ký sắc lệnh thúc đẩy quá trình xây dựng của hai đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access. Trong khi các nhà sản xuất dầu ở Canada và Bắc Dakota sẽ được hưởng lợi từ một đường dẫn dầu thô nhanh hơn đến các nhà máy lọc dầu ở vùng Duyên hải vinh Mexico, việc tái khởi động các dự án này sẽ đánh dấu sự thất bại của những bộ lạc người bản địa cũng như những nhà hoạt động vì môi trường. Ông Trump từng tuyên bố sẽ tăng sản lượng năng lượng nội địa và tái khởi động dự án Keystone XL trị giá hơn 6 tỷ USD, dự án từng bị Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama dẹp bỏ. Cũng trong ngày này, ông Trump đã ký sắc lệnh chính thức chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Đối tác xuyên Đại tây dương TPP, di sản nổi bật trong chính sách thương mại quốc tế của người tiền nhiệm.

Ngày 25-1: Tân Tổng thống ký sắc lệnh xây dựng bức tường và hàng rào trên tuyến biên giới dài hơn 2000 dặm giữa Mỹ và Mexico với mục đích làm lá chắn ngăn chặn dòng người di cư trái phép vào Mỹ, đảm bảo an ninh quốc gia.

Ngày 26-1: Một đoạn chia sẻ trên twitter của một người mang tên Rogue NASA kêu gọi ông Trump đầu tư hơn nữa cho các nghiên cứu cấp liên bang về biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khoa học trong bối cảnh nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học tại Mỹ lo ngại tân Tổng thống sẽ bỏ bê và coi nhẹ những nhà khoa học.

Ngày 27-1: Ông Trump ký sắc lệnh cấm di trú đối với công dân đến từ bảy nước có đông người Hồi giáo, khiến dư luận Mỹ hết sức phản đối, nhiều người nhập cư và tị nạn bị mắc kẹt tại các sân bay. Đây là quyết định táo bạo nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã bị Tòa án phúc thẩm bác bỏ. Không chỉ người dân Mỹ mà nhiều nhà lãnh đạo của các nước khác cũng đã lên tiếng phản đối lệnh cấm này của ông Trump.

Ngày 28-1: Ông Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảo luận về một số vấn đề cả hai nước cùng quan tâm, ổn định quan hệ hai nước, khôi phục quan hệ thương mại, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tình hình của nhiều khu vực bất ổn trên thế giới. Phía Nga không hề đề cập đến các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt lên Nga.

Ngày 29-1: Ông Donald Trump đã lên tiếng phản bác lại những chỉ trích từ quốc tế, những nhà hoạt động dân quyền, những thách thức về pháp lý đối với chính sách cấm di trú đối với người dân một số nước Hồi giáo. Tổng thống Mỹ và những trợ lý của mình đã cố gắng bảo vệ chính sách của mình, xoa dịu dư luận nhưng sự hỗn loạn vẫn tiếp diễn.

Ngày 30-1: Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh nhằm làm giảm nhiều quy định rườm rà của liên bang, nhưng chính sách này sẽ không áp dụng cho hầu hết các quy tắc cải cách tài chính được ban hành dưới thời chính quyền Obama.

Ngày 31-1: Tổng thống Donald Trump đề cử thẩm phán Neil Gorsuch, một quan chức có quan điểm bảo thủ cho một vị trí trong Tòa án Tối cao. Đây là ứng cử viên trẻ nhất cho cơ quan quyền lực này trong vòng 25 năm qua. Nếu được chấp thuận, ông Gorsuch sẽ tiếp quản chiếc ghế khuyết tại Tòa án Tối cao do thẩm phán Antonin Scalia để lại sau khi ông qua đời hồi tháng 2-2016.

Ngày 1-2: Tân Tổng thống Mỹ có cuộc gặp với ông Wayne LaPierre, phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội súng quốc gia Mỹ và bà Paula White của Trung tâm New Christian Destiny, bàn bạc và cân nhắc về việc đề cử ông Neil Gorsuch.

Ngày 2-2: Quan hệ với đồng minh Australia của Mỹ dường như bị kéo lên mức độ “căng thẳng” sau cuộc điện đàm được miêu tả là khá “gay gắt” giữa ông Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Theo tờ Washington Post, ông Trump đã gọi những kế hoạch đang được tiến hành là “ngớ ngẩn” và là “thỏa thuận tồi tệ nhất”. Cuộc điện đàm được dự kiến sẽ điễn ra trong vòng 1 tiếng nhưng lại kết thúc bất ngờ chỉ trong 25 phút.

Ngày 3-2: Thẩm phán liên bang ở Seattle (bang Washington) đã ra phán quyết có hiệu lực trên toàn nước Mỹ ngăn chặn tạm thời lệnh cấm di trú đối với công dân của các nước có người Hồi giáo chiếm đa số do ông Trump ban hành hồi cuối tháng Một. Ngay lập tức ông Trump đã phản pháo và gọi thẩm phán James Robart là “người được gọi là thẩm phán” với những “ý kiến ngờ nghệch” đang “cơ bản hủy hoại quá trình thực thi luật pháp” ở nước Mỹ. Chính quyền ông Trump cũng yêu cầu giữ lại lệnh cấm này.

Ngày 4-2: Căng thẳng giữa Iran và Mỹ tiếp tục leo thang sau vụ Tehran phóng thử tên ửa đạn đạo, khiến chính quyền Tổng thống Trump tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt đối với cá nhân và tổ chức có liên quan đến tổ chức Vệ binh Cách mạng (Revolutionary Guards).

Ngày 5-2: Ông Donald Trump tiếp tục lên tiếng bảo vệ ông Vladimir Putin. Trong cuộc phỏng vấn với Bill O’Reilly trước trận Super Bowl, ông Trum đã thẳng thắn “phản pháo” khi người dẫn chương trình của Fox News miêu tả Tổng thống Nga là “kẻ giết người”. Ông Trump nói “Có đầy rẫy những kẻ giết người. Quan điểm của anh thế nào?”

Ngày 6-2: Ông Trump lên tiếng các buộc các phương tiện truyền thông cố tình phớt lờ thông tin về các vụ tấn công của IS tại châu Âu. Ông không nêu cụ thể cuộc tấn công nào đã bị bỏ qua cũng như những thông tin chi tiết khác để làm tăng tính thuyết phục của tuyên bố của mình. Sau đó Nhà Trắng đã công bố danh sách 78 vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới từ tháng 9-2014 đến tháng 12-2016.

Ngày 7-2: Phó Tổng thống Mike Pence đã phải phá lệ để cứu thế bế tắc chưa từng có tiền lệ này. Trong cuộc bỏ phiếu được tổ chức ở Thượng viện, đã có 2 nghị sỹ của Đảng Cộng hòa, 46 nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ và 2 nghị sỹ độc lập đã bỏ phiếu chống lại đề cử của Tổng thống, dẫn đến kết quả số phiếu hòa (50/50) mà theo giới chức Thượng viện thì chưa từng xảy ra trong một phiên phê chuẩn vị trí trong nội các của Tổng thống Mỹ trước đây. Việc bà DeVos gặp khó khăn trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn tại Thượng viện không phải điều bất ngờ khi nhiều người vẫn cho rằng ứng cử viên do tân Tổng thống đề cử không đủ những điều kiện hay tiêu chuẩn cần thiết.

Ngày 8-2: Ông Trump lên tiếng chỉ trích chuỗi trung tâm thương mại bán lẻ Nordstrom vì hãng này quyết định ngừng bán các sản phẩm thời trang của cô con gái lớn nhà ông, Ivanka Trump. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer quy cho quyết định của Nordstrom là nhằm "tấn công trực diện" vào chính sách của tổng thống. Việc ông Trump sử dụng tài khoản Twitter chính thức của tổng thống để lên tiếng bảo vệ con gái trước một doanh nghiệp làm dấy lên những lời phê phán rằng tân tổng thống lạm dụng chức vụ công vì lợi ích gia đình.

Ngày 9-2: Tòa án Phúc thẩm Khu vực Tư pháp thứ 9 bác đơn kháng nghị của chính quyền Tổng thống Trump và tuyên bố đình chỉ sắc lệnh cấm di trú đối với công dân 7 nước Hồi giáo. Sau phán quyết của tòa, ông Trump thể hiện quan điểm trên Twitter rằng an ninh quốc gia đang đối mặt với rủi ro. "Hẹn gặp các ông tại tòa án", tổng thống Mỹ viết. Phán quyết này tiếp tục là một thất bại lớn của chính quyền Trump trước đơn kiện của chính quyền tiểu bang Washington và bang Minnesota. Giờ đây vụ việc có thể được chuyển lên Tòa án Tối cao để quyết định kết quả cuối cùng.

Ngày 10-2: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mở ra một chương mới trong quan hệ song phương. Trong cuộc họp báo chung giữa hai nguyên thủ, ông Trump cố gắng tránh lặp lại những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình rằng Nhật đang lợi dụng gói viện trợ an ninh và “ăn cắp” việc làm của Mỹ.

Ngày 11-2: Ông Trump cho biết mình sẽ xem xét những biện pháp đối phó mạnh tay với “Triều Tiên” sau khi nước này tuyên bố thử thành công một loại tên lửa đạn đạo tầm trung đến xa. Ông Trump nói: “Rõ ràng Triều tiên là một vấn đề rất rất lớn, chúng ta phải xử lý một cách quyết liệt.”

Ngày 12-2: Ông Trump từ chối thẳng thừng việc lên tiếng “nói đỡ” cho cố vấn an ninh đồng thời là trợ lý thân cận của mình, Michael Flynn, về vấn đề các liên lạc của ông này với Nga. Ông Flynn từng nói với Phó Tổng Mike Pence rằng ông này chưa từng thảo luận với phía Nga về các lệnh cấm của Mỹ chống lại Nga vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức, mong muốn ông Pence lên tiếng bảo vệ mình trong các cuộc phỏng vấn.

Ngày 13-2: Tổng thống Donald Trump muốn chỉnh lại quan hệ thương mại với Canada song khẳng định rằng hai nước cần phối hợp chặt chẽ vì lợi ích chung về kinh tế, an ninh khu vực. Ông Trump cam kết sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Mexico và Canada để khiến các điều khoản có lợi hơn cho người Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định Washington và Ottawa mạnh mẽ hơn khi sát cánh cùng nhau trong những vấn đề thương mại quốc tế, cả hai đều hưởng lợi khi Bắc Mỹ có thêm việc làm và tăng cường trao đổi thương mại.

Ngày 14-2: Ông Trump tuyên bố Cố vấn an ninh Michael Flynn đã “dối” Nhà Trắng trong vấn đề quan hệ của ông này với Nga, nhưng không sa thải ông Flynn ngay lập tức. Ông Flynn đã nộp đơn từ chức sau đó ít lâu.

Ngày 15-2: Một đòn mới lại giáng vào nỗ lực của ông Trump trong việc hoàn thiện nội các của mình khi ông Andrew Puzder, ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Lao động, rút lui. Ông này thừa nhận gia đình mình có thuê một người không có giấy tờ hợp pháp làm quản gia. Ngay lập tức, ông này phải hứng chịu sự phản đối và khiếu nại từ công nhân làm việc trong chuỗi cửa hàng của ông này.

Ngày 16-2: Tổng thống Donald Trump đã tổ chức một cuộc họp báo tự do tại Nhà Trắng, phần lớn thời gian của cuộc họp báo kéo dài 77 phút này bị “lấn át” bởi sự tức giận của tân Tổng thống với báo chí. Khi được hỏi về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông với hoạt động của Nga, ông đã né tránh và chuyển sang chủ đề mà ông gọi là “những vụ lộ lọt thông tin chính phủ” và truyền thông “không trung thực”. Ông còn nhấn mạnh “Truyền thông Mỹ đang đi ngoài tầm kiểm soát. Mức độ không trung thực đang ngoài tầm kiểm soát”. Ông lên án những thông tin về sự đối đầu trong bộ máy của ông, những vấn đề liên quan đến Nga là “các thông tin giả do truyền thông tung ra”.

Ảnh: Reuters.

Duy Tiến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/mot-thang-day-song-gio-cua-tan-tong-thong-my-429200/