Một thời "buôn tiền" đáng nhớ!

- Ở tuổi 84, ông Lữ Minh Châu có vóc dáng cao gầy, khắc khổ nhưng nụ cười rất tươi và tư duy mẫn tiệp. Là một nhà "tình báo kinh tế" siêu hạng, ông tham gia chỉ đạo "đường dây buôn tiền" độc nhất vô nhị phục vụ kinh tài cho các chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

"Phải học mới làm được"

Thưa ông, cái tên "Lữ Minh Châu" đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người, nhất là ngành ngân hàng. Trước khi bắt đầu công việc trong "binh chủng tiền", ông có tiếp xúc với... tiền?

Tháng 8/1945, tôi đang học trung học ở Sài Gòn, rồi vào bộ đội chống thực dân Pháp được điều về làm Văn phòng liên tỉnh ủy Hậu Giang. Sau đó làm Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ, Văn phòng Trung ương Cục, giúp việc cho các anh Phạm Hùng, Lê Đức Thọ. Năm 1954, tôi làm sĩ quan liên lạc Ủy ban liên hiệp đình chiến Nam Bộ. Hiệp thương không thành, năm 1959, anh Lê Đức Thọ xin tôi về làm thư ký nhưng tôi nói còn dốt lắm, phải học mới làm được. Tổ chức cho tôi đi học Đại học Kinh tế Quốc dân tại Liên Xô, học ngành tài chính ngân hàng, đến tháng 12/1964 thì tốt nghiệp.

Về nước, tôi bày tỏ nguyện vọng muốn vào Nam chiến đấu, anh Phạm Hùng trực tiếp giao nhiệm vụ. Trong thời gian chuẩn bị tôi vẫn làm việc ở Ngân hàng Trung ương để nắm nghiệp vụ ngoại thương, ngoại hối và thanh toán quốc tế, đồng thời trau dồi tiếng Pháp, tiếng Anh và học tiếng Khmer, nghiệp vụ tình báo. Năm 1956, tôi vượt Trường Sơn vào Nam, qua Campuchia lặn vào giới Việt kiều để dễ hoạt động.

Và ông đóng vai... thương nhân?

Phần nổi là làm thương gia quản lý xuất nhập khẩu, buôn bán với nước ngoài và thỉnh thoảng qua Sài Gòn và vùng biên giới, đưa hàng từ Campuchia sang, nhập bóng đèn, phụ tùng điện máy từ Sài Gòn về. Phần chìm là tổ chức tiếp nhận tiền, chuyển đổi tiền, cung cấp tiền cho các chiến khu. Tôi được phân công làm Phó trưởng Ban Tài chính đặc biệt với bí số N.2683.

Ông có thể nói rõ hơn về Ban Tài chính đặc biệt này?

Tiền thân của N.2683 là Ban Tài chính Xứ ủy Nam bộ được thành lập từ năm 1954. Đến năm 1961 nó mới có phiên hiệu chính thức là Ban Tài chính đặc biệt, nhưng để giữ bí mật thường gọi là "Ban công tác đặc biệt", với nhiều bí số như B6, rồi D270... N.2683 hoạt động đơn tuyến, tuyệt đối bí mật, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của 2 người là Phạm Hùng và Phạm Văn Xô.

Nhiệm vụ của N.2683 là phối hợp với các đơn vị liên quan, bằng nhiều cách tổ chức tiếp nhận ngoại tệ của Trung ương chi viện cho miền Nam, rồi tìm cách "phù phép", chuyển ra các loại tiền thích hợp như đồng riel, kip, baht... phục vụ nhu cầu chiến trường. Tiền mặt vận chuyển bằng đường bộ, đường biển, hàng không, nhưng hiệu quả nhất là sử dụng chính hệ thống ngân hàng nước ngoài và ngân hàng của chính quyền Sài Gòn để chuyển tiền thông qua nghiệp vụ ngoại hối. Hoạt động trong lòng địch, phải giữ được bí mật tuyệt đối. Nếu bị phát hiện thì vừa mất mạng vừa mất tiền của tổ chức.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lữ Minh Châu.

Giải cứu tiền bằng xe chở mắm

Một kỳ tích nào của N.2683 mà ông nhớ mãi?

Tháng 3/1970, Lonnol làm đảo chính lật đổ chính quyền Norodom Sihanouk. Trước đó vào cuối tháng 2/1970, qua cơ sở mật, chúng tôi biết trước việc Campuchia đổi tiền, kịp lên phương án thu gom đổi tiền mới. Sau khi đảo chính, quân Lonnol khủng bố Việt kiều, chặn các con đường về căn cứ, nên khá nhiều tiền ta mới đổi được bị kẹt lại Phnom Penh, tôi chỉ đạo đào hầm chôn tiền ngay trong trụ sở Công ty Tân Á. Trong khi đó, các đơn vị của ta ở căn cứ thiếu tiền, khẩu phần ăn đã phải cắt giảm đến một nửa. Anh Phạm Hùng điện cho chúng tôi, bằng mọi cách phải chuyển cho được tiền về. Chúng tôi liên lạc được với anh Nguyễn Gia Đằng (Tư Cam) phụ trách Việt kiều còn ở lại Campuchia và với đồng chí Sáu Đắc phụ trách đoàn 195 hậu cần T3, cùng thống nhất một kế hoạch mạo hiểm, có thể hy sinh, để cứu tiền.

Cuối cùng, ngày 14/4/1970, chúng tôi đã bí mật dùng 2 xe tải lớn ngụy trang dưới xe chở mắm bò hóc để chở hết số tiền vừa đổi, cùng với hàng triệu đôla Mỹ vượt vòng vây của địch tại Phnom Penh, về biên giới Việt Nam. Sau đó, phối hợp với đồng chí Ba Dũng phụ trách đơn vị C32 thuộc Ban Kinh tài "R", xuyên thủng lưới kiểm soát của quân ngụy Sài Gòn, chuyển tiền về căn cứ an toàn. Ngày 14/4 đã trở thành ngày truyền thống của đơn vị chúng tôi.

Thẻ căn cước của ông Lữ Minh Châu ở Pnom Penh mang tên Nguyễn Văn Thảo.

Từ Trưởng ban Quân quản đến Thống đốc Ngân hàng

Nhiệm vụ chính của ông sau ngày giải phóng miền Nam là gì?

Ngày 30/4/1975, tôi được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn Gia Định theo quyết định do anh Phạm Hùng ký từ trong... rừng. Sau khi tiếp quản xong, tôi làm Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn - Gia Định, rồi Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM đến năm 1984. Đầu tháng 6/1986, vào một buổi tối thứ bảy, tôi nghe đài công bố, tôi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngay tối hôm đó tôi nhận được điện từ Hà Nội: "Sáng thứ hai phải có mặt để nhận nhiệm vụ".

Ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ là người lính trên chiến tuyến tài chính đặc biệt, cho đến khi trở thành vị tư lệnh cao nhất của ngành ngân hàng. Đâu là động lực để có được một Lữ Minh Châu như là một huyền thoại hôm nay?

Lý tưởng là ánh sáng soi đường, là động lực để hành động. Lý tưởng của tôi thời trẻ là giành độc lập tự do và ấm no hạnh phúc cho mình, cho mọi người. Nhờ đó mà tôi kiên định ý chí, vượt qua được vô vàn những khó khăn nguy hiểm. Mặt khác là tôi gặp được những đồng chí hiểu mình, tin tưởng mình nên dẫu có chết cũng không từ nan, nhất là anh Hai Phạm Hùng, người Thầy của tôi.

Xin cảm ơn ông và kính chúc ông sức khỏe.

Ông Lữ Minh Châu tên thật là Lữ Triều Phú, sinh năm 1929 tại Cà Mau. Hiện sống ở Bình Thạnh, TPHCM. Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Phó trưởng Ban Tài chính đặc biệt (N.2683).

Thiên Tường (Thực hiện)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201206/Mot-thoi-buon-tien-dang-nho-1839380/