Một trưng bày nhiều 'đặc biệt'

Sáng 10-1, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) đã khai trương Trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam” với 18 bảo vật quốc gia được giới thiệu một cách tập trung và có hệ thống.

Cùng với Trưng bày đặc biệt này, công chúng còn được tiếp cận với một nét đặc biệt khác của văn hóa Việt Nam...

Sau năm đợt xếp hạng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cơ quan lưu giữ số bảo vật quốc gia nhiều và tập trung nhất. Những bảo vật mang những thông điệp từ quá khứ, phản ánh lịch sử lâu đời dựng nước và giữ nước, chứa đựng tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam. Những bảo vật quốc gia mang niềm tự hào của truyền thống dân tộc trao truyền cho thế hệ trẻ hôm nay như một hành trang để phát triển trong tương lai.

Trong trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam”, công chúng được chiêm ngưỡng 18 bảo vật quốc gia với những câu chuyện, thông tin hấp dẫn, ý kiến của các chuyên gia cùng với những tài liệu khoa học liên quan (bản vẽ, bản dập hoa văn, hình ảnh minh họa), với sự hỗ trợ của công nghệ 3D, trình chiếu các clip giới thiệu quá trình phát hiện, nghiên cứu, lưu giữ các bảo vật ...

Các bảo vật lưu giữ tại đây có niên đại trải dài từ Văn hóa Đông Sơn cách đây 2000 - 2500 năm, nhiều hiện vật thuộc các đời Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn, cho tới bản thảo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 12-1946). Các bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng cũng phong phú về loại hình: trống, thạp, mộ thuyền, tượng tròn, bia, ấn, bản thảo... phong phú về chất liệu: đồng, đá, gỗ, vàng, gốm, giấy... Mỗi loại hình, mỗi chất liệu đòi hỏi những điều kiện bảo tồn, lưu giữ chuyên biệt. Đây là khó khăn lớn đặt ra với những cán bộ bảo tàng. Sau mỗi bảo vật quốc gia còn là nhiều câu chuyện - bắt đầu từ phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Để công chúng được chiêm ngưỡng các bảo vật, các cán bộ bảo tàng đã phải làm việc lặng lẽ, cẩn trọng trong nhiều năm tháng.

Thêm một hình ảnh văn hóa độc đáo
Cùng trong Lễ khai trương trưng bày đặc biệt bảo vật quốc gia, nhân dân Đồng Kỵ hiến tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia một “Ông Nhất” - mô hình Pháo thiêng được rước trong lễ hội của làng hằng năm ngày mùng bốn Tết. “Ông Nhất” được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, chạm khắc tinh xảo, dài tới gần 6m, đường kính tới 1,2m, chung quanh còn được trang trí thêm tứ linh (long, ly, quy, phượng), là hình ảnh đại diện cho Lễ hội Đồng Kỵ độc đáo đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (tháng 1-2016).

Pháo rước trong lễ hội Đồng Kỵ được nhân dân Đồng Kỵ hiến tặng Bảo tàng trong Lễ khai trương “Trưng bày đặc biệt bảo vật quốc gia”.

Ai biết đến Lễ hội Đồng Kỵ đều biết Hội Thi pháo ở đây là một nét độc đáo không đâu có. Khách đến chơi Hội Đồng Kỵ cũng là để xem thi pháo. Pháo của các nhà đua với nhau về kích thước nhưng còn phải có tiếng nổ vang rền, xác pháo phải nhỏ đều mới được chấm giải. Pháo được đốt ở đình, con cháu mang xác pháo về nhà ăn mừng với niềm tin những điều tốt đẹp sẽ đến với mình và cả gia đình trong năm mới. Từ năm 1995, nhân dân Đồng Kỵ chấp hành quy định không đốt pháo. Hằng năm, Hội Đồng Kỵ vẫn được tổ chức trọng thể, đông vui nhưng thay cho đốt pháo, thi pháo, dân làng Đồng Kỵ chuyển sang rước pháo để tái hiện và bảo tồn một tập tục đẹp của quê hương. “Ông Nhất”, “Ông Nhì” được rước từ nghè ra đình trong cả sự kính cẩn truyền thống và niềm hân hoan mở hội hằng năm.

Có thể chưa được dự/chơi Hội Đồng Kỵ nhưng với sự hiện diện của một “Ông Nhất” ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với những hỗ trợ của công nghệ và câu chuyện được kể, khách đến tham quan Bảo tàng có thể tìm hiểu thêm một nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam.

Trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia phục vụ khách tham quan từ ngày 10-1 đến tháng 5-2017.

18 Bảo vật quốc gia đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia:
1. Trống đồng Ngọc Lũ - Văn hóa Đông Sơn, được công nhận năm 2012.
2. Trống đồng Hoàng Hạ - Văn hóa Đông Sơn, được công nhận năm 2012.
3. Thạp đồng Đào Thịnh - Văn hóa Đông Sơn, được công nhận năm 2012.
4. Tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn bằng đồng - Văn hóa Đông Sơn, được công nhận năm 2012.
5. Cây đèn hình người quỳ bằng đồng - Văn hóa Đông Sơn, được công nhận năm 2012.
6. Mộ thuyền Việt Khê - Văn hóa Đông Sơn, được công nhận năm 2013.
7. Bia Võ Cạnh - Văn hóa Chămpa, được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2013. Đây là tấm bia cổ nhất Đông - Nam Á.
8. Chuông chùa Vân Bản - Thời Trần, thế kỷ 13 - 14, được công nhận năm 2013.
9. Ấn “Môn hạ sảnh ấn” - Thời Trần, được công nhận năm 2012.
10. Bình gốm vẽ thiên nga - Thời Lê sơ, được công nhận năm 2012.
11. Bia điện Nam Giao - Thời Lê Trung hưng, được công nhận năm 2015.
12. Trống đồng Cảnh Thịnh - Thời Tây Sơn, được công nhận năm 2012.
13. Ấn “Sắc mệnh chi bảo”- Thời Nguyễn, được công nhận năm 2015.
14. Tập thơ Nhật ký trong tù - được công nhận năm 2012.
15. Sách Đường Kách mệnh - được công nhận năm 2012.
16. Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - được công nhận năm 2012.
Hai Bảo vật quốc gia mới được công nhận đợt 5 (ngày 22-12-2016) là Thống gốm hoa nâu - thời Trần và Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo - ấn vàng thời Nguyễn.

Hình ảnh một số bảo vật quốc gia:

Trống đồng Ngọc Lũ.

Cây đèn hình người quỳ.

Thạp đồng Đào Thịnh.

Tượng hai người cõng nhau thổi khèn.

Trống đồng Cảnh Thịnh.

Sách Đường kách mệnh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/31795902-mot-trung-bay-nhieu-%e2%80%9cdac-biet%e2%80%9d.html