Mua 2, tặng 1…tàu ngầm: Trung Quốc đá Mỹ khỏi Thái Lan?

Một thông tin gây sốc vừa được tiết lộ về chiến lược siêu khuyến mại của Trung Quốc, với ưu đãi đặc biệt: Bán 2, tặng 1…tàu ngầm cho Thái Lan.

Trung Quốc bán 2, tặng 1 tàu ngầm cho Thái Lan

Trang web trực tuyến Nation (Dân tộc) của Thái Lan ngày 23/3 cho biết, tại cuộc họp báo chiều tối hôm 22/3, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khẳng định với các phóng viên rằng, hải quân nước này sẽ sớm mua ba tàu ngầm diesel do Trung Quốc chế tạo.

Điều đặc biệt là Thái Lan chỉ phải trả tiền mua 2 chiếc, còn 1 chiếc được Trung Quốc cho không, hơn nữa, số tiền mua 2 chiếc tàu ngầm cũng được trả dần trong vòng khoảng 10 năm. Như vậy, Bangkok đã được hưởng một hợp đồng “siêu khuyến mãi” của Bắc Kinh.

Thủ tướng Thái Lan cho biết, Thái Lan sẽ chỉ phải trả tiền để mua hai chiếc tàu ngầm, còn chiếc thứ ba sẽ được phía Trung Quốc tặng cho lực lượng hải quân nước này “như một món quà”, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi lực lượng hải quân của Thái Lan hiện không có tàu ngầm nào.

Tờ báo điện tử Thái Lan cho biết, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha (nguyên là Tư lệnh lục quân) đã bày tỏ thái độ hài lòng với mức giá thấp và chất lượng tương đối chấp nhận được của tàu ngầm Trung Quốc.

Nation còn cho biết rằng, ba tàu ngầm mang mã số S-26T được Trung Quốc thiết kế đặc biệt giành cho Thái Lan. Chúng được phát triển trên cơ sở dự án tàu ngầm diesel tiên tiến thuộc Type 039A (lớp Nguyên) hiện đang biên chế trong lực lượng hải quân của nước này.

Theo nguồn tin Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng nước này là đại tướng Prawit Wongsuwan cho biết, hợp đồng chính thức cho kế hoạch mua sắm tàu ngầm này sẽ được ký kết ngay trong năm nay, ngân sách của nó đã được phê duyệt trong kế hoạch tài khóa năm 2017.

Tàu ngầm Type 039A lớp Nguyên của hải quân Trung Quốc

Được biết, hải quân Hoàng gia Thái Lan từng có ý định mua tàu ngầm từ những năm 2008-2009, song kế hoạch này đã bị trì hoãn vì thiếu ngân sách và có nhiều quan chức quân đội cho rằng, vùng biển Thái Lan nông, không thích hợp cho các tàu ngầm cỡ lớn.

Khi đó, Thái Lan dự định sẽ ký hợp đồng với Trung Quốc để mua ba tàu ngầm diesel, với tổng trị giá lên tới 1 tỷ USD. Hợp đồng này đã được sự chấp thuận của Ủy ban chuyên trách mua sắm vũ khí và kỹ thuật của Nhà nước Thái Lan, từ hồi tháng 5/2015, nhưng sau đó đã bị tạm dừng lại

Tuy nhiên, sau đó chính phủ nước này vẫn quyết định mua tàu ngầm bất chấp các ý kiến phản đối. Chính quyền của ông Chan-ocha lí luận rằng, Thái Lan là quốc gia rất giàu tài nguyên biển, đặc biệt là ở vùng biển Andaman. Do đó, hải quân cần có tàu ngầm để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ những tài nguyên này.

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan tiết lộ, Thái Lan dự định sẽ mua ba tàu ngầm tấn công S-26T của Trung Quốc với giá 12 tỷ baht (khoảng 335 triệu USD) mỗi chiếc.

Theo ông Wongsuwan, mức giá này không phải là cao bởi thời gian chi trả theo hợp đồng kéo dài tới 10 năm, trong khi đó, tàu ngầm S-26T của Trung Quốc được trang bị các công nghệ mới nhất, có thể sánh ngang với các cường quốc tàu ngầm khác.

Trung Quốc âm mưu hất cẳng Mỹ khỏi Thái Lan

Vào cuối năm 2016, giới truyền thông đưa tin rằng, ngoài việc siêu khuyến mãi để bán tàu ngầm cho Bangkok, Bắc Kinh còn đang đang thảo luận về việc xây dựng các cơ sở sản xuất thiết bị quân sự tại Thái Lan, với nhiều ưu đãi cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantravanich ngày 21/12/2016 tuyên bố rằng, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc về mối quan tâm đến việc thiết lập các cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng trang bị Trung Quốc hiện có trong kho vũ khí của Thái Lan.

Nước này cũng muốn tiếp cận trình độ công nghệ của Trung Quốc trong việc sản xuất vũ khí loại nhỏ và các thiết bị liên quan đến an ninh khác như máy bay không người lái.

Vào tháng 1/2017, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Thái Lan là tướng Chatudom Thittasiri cũng tiết lộ rằng, Bangkok sẽ dành ra 2 tỷ baht trong vòng ba năm để mua thêm 10 xe tăng và xe hỗ trợ chiến đấu của Trung Quốc, để trang bị cho lục quân nước này.

Được biết, mối quan hệ giữa Thái Lan với Mỹ và một số đồng minh như Nhật Bản trở nên “nguội lạnh” sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5/2014. Washington cho biết, mối quan hệ này không thể trở lại quỹ đạo thông thường cho đến khi nền dân chủ ở Thái Lan được khôi phục.

Do đó, sau cuộc đảo chính này, chính quyền quân sự Thái Lan đã tìm kiếm sự phát triển quan hệ với Bắc Kinh. và “tranh thủ” thời cơ quý báu đó, Trung quốc cũng nhanh chóng hành động, có nhiều tuyên bố và bước đi thực tiễn làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Thái Lan.

Quan hệ Mỹ-Thái lạnh nhạt sau vụ “đảo chính” năm 2014 đã khiến Trung Quốc được lợi

Những hợp đồng mua vũ khí và hợp tác kỹ thuật quân sự là một tín hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ đang ấm lên giữa Bắc Kinh và đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á.

Đặc biệt là sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thế giới đã đặt ra những câu hỏi về khả năng thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á của Washington và Thái Lan cũng không phải là ngoại lệ. Điều này lại càng thúc đẩy Bangkok thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh.

Giới chuyên gia nhận định, nếu Mỹ vẫn khăng khăng duy trì chính sách bảo thủ trong quan hệ với Thái Lan, điều này sẽ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai nước, trong bối cảnh Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng quyết liệt ở Đông Nam Á nói chung và Thái Lan nói riêng.

Mâu thuẫn sâu sắc giữa Mỹ-Nhật và Trung Quốc khiến Thái Lan và các nước Đông Nam Á sẽ buộc phải lựa chọn một trong hai “ông lớn”.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/mua-2-tang-1tau-ngam-trung-quoc-da-my-khoi-thai-lan-3331722/