Mua bán ngoại tệ: Quy định còn thiếu thực tế

Nhiều trường hợp người dân có nhu cầu mua USD thật mà xử phạt là vô lý. Các giao dịch bằng USD ngày càng trở nên tinh vi hơn trước nên để bắt và xử lý rất khó.

Trong thời gian qua, nhờ sự phối hợp kiểm tra liên ngành tại TP.HCM nên tình trạng mua bán ngoại tệ trái phép đã hạn chế; một thời gian dài, thị trường chợ đen không dám hoạt động công khai như trước; tình trạng niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ bằng USD không còn phổ biến như trước… Đó là nhận dịnh của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, tại phiên họp báo cáo công tác phối hợp quản lý ngoại hối tại khu vực TP.HCM ngày 16-11.

Lúng túng trong áp dụng quy định mới

Theo đại diện Công an TP.HCM, việc mạnh tay xử lý việc mua bán ngoại tệ trái phép là hoàn toàn đúng nhưng cần phải rạch ròi mức phạt cho từng đối tượng, không thể áp dụng mức chung đối với tổ chức cũng như cá nhân. Trong những trường hợp người dân có nhu cầu mua USD thật thì lại càng không thể xử phạt. Vào cuối tuần khi đang cần kíp, ngân hàng không giao dịch, đến khu trung tâm thì quá xa, người dân không thể đổi USD được thì làm sao? Nếu chẳng may họ đi ra tiệm vàng bán 500 USD mà bị bắt thì sẽ bị tịch thu số tiền và bị phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng. Trường hợp này là không hợp lý.

Chính vì vậy phải giải thích rõ hơn nội dung xử phạt trong Nghị định 95, bên cạnh đó phải có các mức phạt sao cho hợp lý với từng đối tượng. “Chúng ta xử phạt chủ yếu với các DN, tổ chức kinh doanh mua bán USD chuyên nghiệp chứ không phải để xử phạt người dân có nhu cầu thực” - đại diện Công an TP.HCM nói.

Đại diện Công an TP.HCM cũng cho rằng lượng kiều hối năm nay có thể bằng năm ngoái nhưng chúng ta phải thận trọng khi thực hiện Nghị quyết 95 để tránh thất thoát. Chẳng hạn mỗi tháng một người nhận từ nước ngoài về 1.000 USD, đem bán cho ngân hàng với giá 20.500 VND/USD được 20,5 triệu đồng. Trong khi với số tiền này đem bán ra bên ngoài với giá khoảng 21.000 VND/USD, người dân sẽ có số tiền là 21 triệu đồng. Như vậy số tiền chênh lệch chỉ là 500.000 đồng. Nhưng nếu là 100.000 USD thì khoản chênh lệch ấy sẽ nhiều hơn rất nhiều. Từ suy nghĩ này nhiều người sẽ nghĩ rằng mình đang bị mất tiền nếu bán cho ngân hàng. Nhưng nếu bán ra thị trường tự do thì là phạm pháp. Bởi thế lượng kiều hối có thể sẽ giảm đi.

Mua bán ngoại tệ tại một ngân hàng. Ảnh minh họa: HTD

Mua bán USD tự do “núp bóng” ngân hàng

Trao đổi bên ngoài cuộc họp trên về tình trạng mua bán USD trên thị trường tự do, ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết ở Mỹ và Úc cũng có trường hợp lén lút mua bán, trao đổi ngoại tệ ngầm với nhau chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ này chỉ chiếm khoảng 10% mà thôi. Còn ở nước ta tình trạng mua bán, trao đổi USD trên thị trường tự do chiếm con số rất lớn. “Gần đây xuất hiện tình trạng nhiều người rút tiền tiết kiệm USD để bán ra bên ngoài với giá cao hơn ngân hàng. Trong khi đó, đáng ra với mức lãi suất USD thấp, người dân sẽ bán USD cho ngân hàng và gửi tiết kiệm với lãi suất 14% sẽ có lợi hơn. Chính vì thế theo tôi phải mạnh tay cảnh cáo, xử lý để chấm dứt tình trạng này” - ông Tiến nói.

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Công an TP.HCM cho biết từ tháng 3 đến nay liên tục kiểm tra trên 24 quận, huyện ở khắp TP.HCM đã bắt và xử lý 54 vụ, trong đó có năm vụ khởi tố, tuy nhiên đa số là xử lý vi phạm hành chính.

“Tuy vậy các giao dịch bằng USD ngày càng trở nên tinh vi hơn trước nên để bắt và xử lý rất khó. Trước đây chỉ cần thanh tra ở các quầy giao dịch là có thể phát hiện. Nhưng bây giờ mua bán lại diễn ra ở nhiều nơi khác nhau như giao nhận ngay tại nhà, thậm chí là trao đổi núp bóng ngân hàng. Cụ thể là khi khách hàng vừa rút tiền tiết kiệm ra thì người mua đến lấy ngay tại đây. Kiểu “thay tên đổi họ” này rất khó để phát hiện.

Hiện nay toàn TP.HCM có rất nhiều điểm thu đổi ngoại tệ, tổng cộng lên tới 73 điểm. Nhưng trong đó chỉ có tám điểm thu đổi ở các tiệm vàng, còn lại là ở khách sạn lớn, các công ty du lịch, khu trung tâm thương mại, sân bay. Tại chợ Bến Thành cũng chỉ có 2-3 điểm. Các chợ khác hầu như không có.

Đại diện Công an TP.HCM

Tính từ đầu năm đến nay tại TP.HCM, Chi cục Quản lý thị trường, Công an TP đã kiểm tra, xử phạt hàng trăm vụ vi phạm. Trong đó đã phát hiện ra 28 đại lý thu đổi ngoại tệ trái pháp luật, trong đó kiểm tra đột xuất sáu đại lý đổi ngoại tệ là tổ chức kinh doanh vàng. Đình chỉ hoạt động thu đổi ngoại tệ 3-6 tháng đối với hai đại lý. Phát hiện năm đại lý đổi ngoại tệ của khách hàng cao hơn giá niêm yết nên đã tiến hành phạt vi phạm hành chính với tổng tiền phạt 75 triệu đồng.

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.HCM

YÊN TRANG

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2011111712264108p1014c1068/mua-ban-ngoai-te-quy-dinh-con-thieu-thuc-te.htm