Mua chứng chỉ tiền gửi: 'Đánh đổi giữa lãi suất và sự ổn định'

Các chứng chỉ tiền gửi thường có đặc điểm ràng buộc người gửi tiền với một kỳ hạn dài cố định, đóng đinh, chứ không cho phép người gửi rút tiền giữa chừng hoặc phải chấp nhận phạt. Sự ổn định bị đánh đổi bởi lý do như vậy.

Thực tế thời gian gần đây, đã có một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) với lãi suất hấp dẫn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên đi kèm với đó, các chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài.

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Đường đi của lãi suất năm 2017” do báo Tri Thức trẻ tổ chức, Ts. Nguyễn Đức Độ cho biết các chứng chỉ tiền gửi thông thường có đặc điểm ràng buộc người gửi tiền với một kỳ hạn dài cố định, đóng đinh và không cho phép người gửi rút tiền giữa chừng. Hoặc được rút nhưng sẽ phải bị phạt. Tùy thuộc vào các ngân hàng, người mua chứng chỉ tiền gửi sẽ được nhận lãi suất cao hơn. Như vậy, theo Ts. Độ sẽ có sự đánh đổi giữa lãi suất và sự ổn định khi mua chứng chỉ tiền gửi thay vì gửi tiền tiết kiệm như trước đây.

Nói về sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, Ts. Cấn Văn Lực cũng lưu ý thêm rằng khi tiếp cận chứng chỉ tiền gửi không nên nhầm tưởng lãi suất người ta công bố, ví dụ 8 – 8,8%/năm là cố định suốt thời gian huy động. Thông thường, mức lãi suất này chỉ áp dụng thời gian đầu và được thả nổi dựa trên lãi suất trung bình của các Ngân hàng lớn cộng với biên độ. Thêm nữa, CCTG cũng được trả lãi sau, trả lãi cuối kỳ có nghĩa là khác với việc trả lãi hàng tháng hay hàng quý.

"Lãi suất 8,5%/năm trả cuối kỳ quy đổi ra cũng chỉ bằng 7,6% nếu theo hình thức trả hàng tháng, hàng quý", Ts. Cấn Văn Lực cho hay.

Thực tế, CCTG không phải là công cụ mới mà đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1994 với mục tiêu để các TCTD huy động vốn trung hạn để đa dạng hóa hình thức huy động vốn của mình. CCTG cũng cho phép lãi suất hết sức linh hoạt. Do vậy, trong bối cảnh Việt Nam huy động vốn trung dài hạn khó khăn thì đây là một công cụ hữu hiệu.

Ts. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra qua khảo sát có thể thấy có một số ngân hàng cỡ trung, cỡ nhỏ tăng lãi suất huy động ở phân khúc trung, dài hạn trong thời gian gần đây. Trong khi một số NH lớn khác cũng chú trọng huy động vốn trung, dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi từ năm 2017 hệ thống NH chỉ được phép dùng 50% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn theo quy định của Thông tư 06. Động thái huy động vốn qua CCTG nhằm chuẩn bị nguồn vốn trung – dài hạn để đảm bảo tỷ lệ này.

Cho nên, theo nhận định của Ts. Cấn Văn Lực, việc phát hành CCTG với lãi suất cao gần đây là hiện tượng và phụ thuộc vào nhu cầu vốn của thị trường. Ts. Cấn Văn Lực cũng cho rằng lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều, dù cũng là một áp lực đối với thị trường năm nay.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/mua-chung-chi-tien-gui-danh-doi-giua-lai-suat-va-su-on-dinh--20170328082914998p4c149.news