Mưa dầm thấm lâu, đi sâu, làm sát..

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo trên địa bàn biên giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của LLVT, góp phần giữ vững an ninh trật tự, xây dựng tuyến biên giới bình yên.

Để thực hiện hiệu quả công tác này, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), các đơn vị LLVT đóng quân trên địa bàn đã chủ động phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo... triển khai nhiều hình thức tuyên truyền sát thực, phù hợp với trình độ dân trí và tập quán văn hóa của đồng bào theo phương châm "Mưa dầm thấm lâu, đi sâu, làm sát" ...

Chuyển biến từ một "điểm nóng"

Ba năm trước tôi có dịp lên vùng biên giới Tây Nguyên, tới xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắc Nông). Đang rảo bước trên con đường bê tông, chúng tôi nghe tiếng xe máy nẹt bô. Vừa vội vàng dạt vào vệ cỏ thì chiếc xe lao vút qua, xẹt khói. Trên xe, 2 đứa trẻ chừng hơn chục tuổi chở nhau cười nghiêng ngả. Đứa cầm lái thấp bé, phải đứng lên khung xe, nghiêng người sang trái mới vào số được. Vậy mà cậu bé đã phóng xe máy vè vè chẳng cần biết luật lệ là gì. Lần này trở lại xã Quảng Trực, đi cùng anh Điểu Toil, Trưởng bon Bu Prăng 1 trên con đường cũ. Nhớ lại chuyện 3 năm trước, tôi bảo anh Điểu Toil: “Đi gọn vào kẻo gặp mấy cô cậu choai choai chạy xe qua, nguy hiểm lắm!”. Anh Điểu Toil cười: “Bộ đội yên tâm, không còn tình trạng đó nữa đâu”. Quả thực, đi bộ hết quãng đường hơn 1km, tôi không gặp trường hợp nào chạy xe như lần trước. Đem chuyện này tâm sự với Đại úy QNCN Phạm Minh Tuấn, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đắc Dang (BĐBP tỉnh Đắc Nông), anh Tuấn chia sẻ: Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian đến tận từng hộ đồng bào S’tiêng, Ê-đê, M’Nông, Chăm, Hoa… dọc tuyến biên giới để khảo sát thực tiễn, nắm tình hình địa bàn và tâm tư, tình cảm của bà con. Từ đó, chỉ huy đồn thống nhất nội dung, phương pháp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó tập trung phổ biến những quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng, chống ma túy và trách nhiệm của nhân dân tham gia giữ gìn tuyến biên giới bình yên.

Bộ đội Biên phòng phối hợp với công an, cơ quan quân sự và trưởng bon phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông.

Trước đây, Quảng Trực được biết đến như là "điểm nóng" về các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu và tình trạng mất an toàn giao thông. Nhưng hiện nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã được giữ ổn định nhờ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc mạnh mẽ của BĐBP và các lực lượng chức năng. BĐBP tỉnh đã lập kế hoạch chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng công an, cơ quan quân sự địa phương tổ chức hướng dẫn bà con thông qua người thực, việc thực. Ngay trước sân nhà Trưởng bon Điểu Toil, chúng tôi thấy hơn chục bà con người M’Nông đang được tổ công tác của Đồn Biên phòng Đắc Dang phối hợp cùng Công an huyện, Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) và Ban CHQS huyện Tuy Đức hướng dẫn một số nội dung về kỹ thuật tham gia giao thông và nghị định phân giới, cắm mốc. Mỗi nội dung tuyên truyền đều có “đội mẫu” thực hành để đồng bào dễ hiểu, dễ tiếp thu. Ông Điểu Bior, ngụ tại bon Bu Prăng 1 chia sẻ: “Nghe các chú bộ đội hướng dẫn phải lớn bằng nào và bao nhiêu tuổi mới được đi xe máy, đi như thế nào cho an toàn, cần làm gì khi muốn qua biên giới, mua bán những gì sẽ bị phạt tù… chúng tôi rất tâm đắc, bởi đó là những điều chúng tôi cần biết”.

Hình thức, biện pháp sinh động, sát thực

Mới khoảng 20 giờ mà ở ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) đã vắng hoe, nhiều gia đình đã tắt điện đi ngủ. Thế nhưng, căn nhà của ông Điểu Lợi, Trưởng nhóm đạo Thiện Chúa vẫn sáng trưng ánh đèn. Đại diện các hộ trong nhóm đạo đang tập trung ở đây để nghe ông Điểu Lợi phổ biến, nhắc nhở việc thực hiện nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không tụ tập biểu tình, khiếu kiện vượt cấp, không vượt biên trái phép… Nói rồi, ông mở tủ sách pháp luật, lấy cuốn Luật Nghĩa vụ quân sự ra đọc những điều quy định cụ thể cho giáo dân nghe. Buổi họp kết thúc, Trưởng nhóm đạo Điểu Lợi cho biết: Không chỉ họp nhóm đạo mà ngay cả trong giờ giảng đạo, thỉnh thoảng các cha xứ cũng lồng ghép tuyên truyền cho giáo dân đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Toàn bộ sách, tài liệu về pháp luật ở đây đều do Đồn Biên phòng Đắc Quýt (BĐBP tỉnh Bình Phước) cấp tới tận các ấp. Tủ sách pháp luật cũng được ưu tiên trang bị cho những nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số, bà con theo đạo để cập nhật kiến thức thường xuyên, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước.

Với đặc thù quản lý địa bàn có tuyến biên giới khá dài, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ đồng bào có đạo chiếm gần 20%, trong khi lực lượng Biên phòng mỏng, Đồn Biên phòng Đắc Quýt đã phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín và các chức sắc tôn giáo để phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân. Theo Trung tá Nguyễn Thiện Ngân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắc Quýt, trước hết, đồn đề nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất để đáp ứng công tác tuyên truyền tại địa phương; sau đó, tiến hành tuyên truyền cho các già làng, trưởng bon, chức sắc tôn giáo trước, kết hợp tặng quà, kết nghĩa để củng cố niềm tin rồi mới đề nghị các vị này đứng ra tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong những buổi giảng đạo.

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng già làng Giàng A Lừ ở bản Giang Châu, xã Đắc Ngo, huyện Tuy Đức và các chiến sĩ dân quân thường trực xã đi tuyên truyền nhân dân thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhìn những bước chân khỏe khoắn xuyên rừng của già làng không ai nghĩ ông đã ngoài 80 tuổi. Bản Giang Châu phần lớn là người M’Nông định cư, trước kia tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Để giữ ổn định địa bàn, lực lượng quân sự, công an, biên phòng đã gặp gỡ, đề nghị già làng Giàng A Lừ giúp đỡ, cùng tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào. Nhờ đó, tình hình địa bàn đã từng bước ổn định trở lại. Đại tá Nguyễn Văn Phương, Chính ủy BĐBP tỉnh Bình Phước nhận định: Do đặc thù vùng biên giới, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự nhiều khu vực phức tạp, nên công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo không thể làm kiểu mùa vụ, nóng vội, mà phải làm theo tinh thần "mưa dầm thấm lâu", đi sâu vào từng thôn, bản, hộ dân, với những hình thức, phương pháp sát thực, cụ thể, dễ hiểu. Phải tranh thủ sự ủng hộ tối đa của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo để kiến thức pháp luật thẩm thấu trong nhận thức, chuyển biến thành hành động của người dân.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/mua-dam-tham-lau-di-sau-lam-sat-509036