Múa đương đại vẫn phải mang đậm bản sắc Việt Nam

Ngày 4-8, tại TP.Hồ Chí Minh, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức hội thảo "Những bất cập trong công tác đào tạo múa đương đại tại các trường văn hóa nghệ thuật Việt Nam”, nhằm nhìn nhận, đánh giá đúng tầm ảnh hưởng của múa đương đại đến nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay và những giải pháp đầu tư, giảng dạy nhằm phát triển loại hình múa này trong thời gian tới.

Một tiết mục múa đương đại

Ảnh: Thiên Bình

Múa đương đại xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 tại Châu Âu, là hình thức múa kết hợp giữa các yếu tố khiêu vũ hiện đại và ba lê cổ điển. Múa đương đại chỉ mới du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây và trở nên quen thuộc trên các sân khấu biểu diễn, trong các cuộc thi tài năng... Việc đào tạo chính thức chỉ bắt đầu khoảng 10 năm nay và chỉ có ở 3 trường: Cao đẳng Múa Việt Nam, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và trường Múa Tp.Hồ Chí Minh. Múa đương đại tại Việt Nam được giảng dạy theo các phong cách của Úc, Mỹ, Pháp, Thụy Điển... mỗi giáo viên lại có phương pháp giảng dạy múa khác nhau, theo phong cách khác nhau. NSND Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng trường Múa Tp.Hồ Chí Minh khẳng định: Sự phát triển và tầm ảnh hưởng của múa hiện đại là rất rõ, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ và tác động đến các loại hình nghệ thuật khác như kịch, múa dân gian... Nhưng hiện tại công tác đào tạo, huấn luyện múa đương đại còn nhiều vướng mắc trong việc định hình phát triển, đào tạo bài bản theo một giáo trình chung để múa đương đại có cơ hội phát triển đúng tầm thời đại. NSND Lê Ngọc Cường - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho rằng: Múa đương đại vẫn đang trên con đường tìm tòi sáng tạo, chưa có một nước nào có được một hệ thống giáo trình đầy đủ. Vì vậy đào tạo múa đương đại đòi hỏi người dạy phải biết đúc kết kinh nghiệm của nhiều nước, của nhiều người, nhiều phong cách. Và việc đào tạo nhằm cung cấp cho học viên biên đạo một kiến thức cơ bản, chất liệu ngôn ngữ sáng tác để họ vận dụng trong sáng tạo tác phẩm, hiểu được tính khoa học trong quy luật vận động cơ bắp, hình thể để biên bài hợp lý, khoa học hơn.

Bản chất của múa đương đại là phóng khoáng, tự do đến tận cùng, thỏa chí thể hiện những ước vọng của con người, tính phổ quát của nó vượt trội so với các loại hình múa khác vì ai cũng có thể múa, múa ngoài đường phố, múa trên sân khấu... Theo NSƯT Trịnh Út Nghiêm, trong múa đương đại ở Việt Nam hiện nay đâu đó vẫn thể hiện sự lạm dụng trong nhịp múa, trong sáng tác, ngôn ngữ pha tạp, vô nghĩa, dễ đem đến cho người xem một cảm giác bạo lực, thiếu dễ chịu trong ý tưởng tác phẩm, một số động tác gây phản cảm. "Thiết nghĩ tự do, phóng khoáng không đồng nghĩa với "thế nào cũng được”. Tiếp thu tinh hoa thế giới, mạnh dạn thể nghiệm, sáng tạo là việc đáng khích lệ nhưng không được xa rời truyền thống văn hóa dân tộc, giữ vững bản sắc cội nguồn” - bà Trịnh Út Nghiêm nêu ý kiến. Bà Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng thể hiện quan điểm tương tự: Dù phát triển như thế nào thì đào tạo múa đương đại vẫn phải mang đậm bản sắc của Việt Nam.

Có thể thấy, để múa đương đại trở thành môn múa chính thống trong chương trình đào tạo nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, cần xây dựng một chương trình giảng dạy khoa học, thống nhất, giáo trình phù hợp và mang hơi thở, phong cách Việt Nam. Giáo trình được xây dựng trên những kỹ thuật múa tiêu biểu của thế giới kết hợp với phong cách múa dân tộc Việt Nam. Bên cạnh những phần quy định chung mang tính bắt buộc, chương trình giảng dạy múa đương đại cũng cần có những phần mở để người dạy cũng như người học có điều kiện phát huy những sáng tạo của mình.

BẢO HẠNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67747&menu=1420&style=1