Mưa liên tục, các tỉnh cảnh báo sâu bệnh tăng cao

Trời mưa liên tiếp khiến cho sản xuất nông nghiệp khó khăn. Ngoài những diện tích thu hoạch ngày mưa ảnh hưởng đến năng suất, số diện tích xuống giống cũng ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các tỉnh liên tiếp khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, chăm sóc các trà lúa.

Dịch bệnh xuất hiện nhiều

Ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Tháp, rầy nâu: Có đợt rầy cám nở rộ với mật số phổ biến ở mức nhẹ - trung bình, cục bộ sẽ có diện tích nhiễm với mật số cao đến rất cao trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, do trước đó bị nhiễm rầy di trú hoặc rầy tích lũy mật số từ đầu vụ. Diện tích nhiễm 961 ha trên lúa giai đoạn làm đòng - trỗ chín, trong đó nhiễm trung bình 60 ha với mật số rầy 1.500-3.000 con/m2, còn lại nhiễm nhẹ, phổ biến tuổi 3-5 và trưởng thành.

Sâu cuốn lá diện tích nhiễm 747,6 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, trong đó nhiễm nặng 0,6 ha với mật số sâu 30-40 con/m2, còn lại nhiễm nhẹ.

Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm 4.663 ha, trong đó nhiễm nặng 3 ha với tỷ lệ bệnh >20-50%, nhiễm trung bình 102 ha, còn lại nhiễm nhẹ.

Bệnh cháy bìa lá diện tích nhiễm 943 ha, trong đó nhiễm nặng 15 ha với tỷ lệ bệnh 40-50%, nhiễm trung bình 65 ha, còn lại nhiễm nhẹ.

Bệnh VL-LXL diện tích nhiễm 2.057 ha, trong đó nhiễm nặng 287 ha (Tân Hồng và Tháp Mười) với tỷ lệ bệnh >30-60%, nhiễm trung bình 728 ha, còn lại nhiễm nhẹ.

Các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An cũng liên tiếp phát đi cảnh báo các loại bệnh rầy nâu, đạo ôn, đạo ôn cổ bông, VL-LXL.

Cần chăm sóc tốt các trà lúa

Khuyến cáo của Sở NN-PTNT Đồng Tháo, đối với những diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất và bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày nhằm cắt đứt nguồn sâu bệnh lây lan sang lúa Thu Đông.

Những vùng chưa xuống giống lúa Thu Đông cần rà soát lại đê bao, cống, đập; do rầy di trú mật số thấp nên tập trung xuống giống dứt điểm đến 15/8/2017 trong những ô bao bảo đảm an toàn trong mùa lũ.

Áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức chống chịu với sâu bệnh hại, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40NSS để bảo tồn thiên địch.

Kiểm tra kỹ ruộng lúa, khi rầy cám nở rộ ruổi 1-3 với mật số > 3 con/tép cần xử lý kịp thời bằng thuốc có tác động chống lột xác, đặc biệt những ruộng nhiễm bệnh VL-LXL cần chú ý quản lý tốt rầy trên ruộng nhằm hạn chế rầy phát tán mầm bệnh sang các khu vực lúa lân cận đang giai đoạn mạ - đẻ nhánh, tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng.

Đối với bệnh VL-LXL: Kiểm tra kỹ ruộng lúa, phát hiện sớm lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL giai đoạn cuối đẻ nhánh để tác động kịp thời các biện pháp chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng, quản lý tốt mật số rầy trên ruộng nhằm hạn chế lây lan và phát tán mầm bệnh.

Cần kiểm tra kỹ đồng ruộng, phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá,… để áp dụng các biện pháp canh tác và xử lý kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị. Phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trỗ lẹt xẹt và trỗ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.

Không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa, ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tích cực thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời hiệu quả. Thông báo kịp thời cho cán bộ địa phương và cán bộ kỹ thuật khi thấy tình hình sâu bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Hoàng Huy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/mua-lien-tuc-cac-tinh-canh-bao-sau-benh-tang-cao-d61527.html