Mùa Noel: Tây ở nhà còn ta… ra đường!

Dù khởi nguồn ở phương Tây xa xôi, Giáng sinh vẫn là một trong những dịp lễ xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Nhưng cách người Việt Nam đón Giáng sinh lại trái ngược với phần còn lại của thế giới: cứ đến mùa là tất cả… ùa ra đường cùng nhau.

Trong những ấn phẩm văn hóa xứ người, Giáng sinh không chỉ hiện lên với hình ảnh tuyết trắng đầy trời, tán thông xanh mướt, ông già Noel mang bộ quần áo đỏ rực rỡ. Mà đó còn là bữa tiệc gia đình ấm áp, mọi người sum vầy xung quanh đĩa gà tây nướng ngon lành. Rất hiếm khi thấy ai đó tận hưởng Giáng sinh vui vẻ một mình trên đường phố, mà thông thường những người bị bỏ mặc trên đường lại là những cảnh đời đáng thương.

Giáng sinh không chỉ hiện lên với hình ảnh tuyết trắng hay ông già Noel mà đó còn là bữa tiệc gia đình ấm áp sum vầy. (Ảnh: People)

Còn ở Việt Nam, hãi hùng nhất lại là thời điểm… tan sở, tan trường ngay trước đêm Giáng sinh. Đám đông người xe chen chúc nhau trên đường phố, vật lộn vì một nỗi niềm ao ước nho nhỏ: “được đi chơi Noel”. Mọi thứ như trái ngược hẳn với phương Tây: khi mà đường phố nước ta lung linh ánh đèn đủ sắc màu, ai nấy xúng xính quần áo đẹp rộn ràng bước đi, cười nói vui vẻ.

Oái oăm hơn nữa, những người ngồi nhà trong dịp Giáng sinh lại thường bị xem là những kẻ cô độc - một định nghĩa không hề xa lạ mà khá phổ biến trong giới trẻ Việt Nam. Bởi thế nên mới có chuyện trước Giáng sinh khoảng một tháng, các phương tiện truyền thông đã suốt ngày ra rả về chuyện hãy tìm kiếm “một nửa” nào đó trước dịp lễ Giáng sinh. Còn các nhãn hàng thì sục sôi với những khuyến mãi đặc biệt, vì họ biết đó là một dịp may hiếm có trong năm mà người ta đua nhau ra đường, ngắm phố chán rồi thì cũng rủ nhau đi mua sắm mà thôi!

Sẽ có người cho rằng khác biệt đến từ sự thật rằng: việc mừng lễ lạt ở Việt Nam khá là theo… phong trào (Ảnh: Pinterest)

Sẽ có người cho rằng khác biệt đến từ sự thật rằng: việc mừng lễ lạt ở Việt Nam khá là theo… phong trào, vì chẳng cứ gì Giáng sinh, mà hầu như dịp vui nào dân ta cũng túa ra đường cả. Từ đêm giao thừa dương lịch đi ngắm pháo hoa, Trung Thu đi xem những con phố đèn lồng, cho đến… Quốc tế phụ nữ chở nhau hẹn hò, hay Halloween hóa trang đủ kiểu rồi tung tẩy dạo phố.

Cũng sẽ có người nghĩ việc ra đường là hệ lụy của chuyện du nhập văn hóa ngoại quốc ồ ạt trong một thời gian ngắn. Chúng ta ai cũng biết Giáng sinh là ngày nào, nhưng có mấy người hiểu rõ ý nghĩa văn hóa, tôn giáo đằng sau nó? Thế nên người ta cứ gộp lại ngày lễ là phải ra đường đi chơi, như ông bà ta thuở xưa cứ đến dịp là lại tưng bừng đi “trẩy hội”.

Kết luận là người Việt Nam đang đón Giáng sinh một cách… phù phiếm hay không? (Ảnh: The Economist)

Những suy nghĩ kể trên âu cũng phần nào được rút ra từ xã hội chúng ta đang sống, nhưng liệu có sai lầm nếu chỉ nhìn vào chúng mà vội vàng đi đến kết luận là người Việt Nam đang đón Giáng sinh một cách… phù phiếm hay không? Vì đằng sau câu chuyện “Tây ở nhà còn ta ra đường” ấy, còn rất nhiều vấn đề khác xung quanh mà người ta tưởng chừng như quên mất.

Trước nhất là về mặt… thời tiết. Cô bé bán diêm trong truyện của đại văn hào Andersen có thể gục ngã trong làn tuyết băng giá xứ trời Tây. Nhưng ở Việt Nam, đặc biệt là tại những vùng có nắng ấm quanh năm như thành phố Hồ Chí Minh, thì điều đó thật khó mà xảy ra! Nên cũng dễ hiểu thôi nếu dịp Giáng sinh trong mắt dân xứ lạnh là gia đình quây quần sum họp để sưởi ấm bên nhau. Và chẳng lạ gì khi Việt Nam ta quyết định ra đường chơi – có khi còn là để… chống nóng.

Thêm vào đó là chuyện những món ăn như gà tây, bánh khúc cây, bánh pudding… cũng đều chẳng phải là món ăn quen thuộc trong mâm cơm người Việt. Dẫu biết bữa tối truyền thống đêm Giáng sinh của người phương Tây là phải có những món đặc trưng như thế, nhưng bắt người Việt Nam cũng phải ở nhà, nấu bữa tối y hệt thì cũng chẳng khác gì ép bên Tây đến Tết âm lịch là phải đi nấu… bánh chưng.

Gà tây quay là món ăn không thể thiếu trong bữa tối truyền thống đêm Giáng sinh của người phương Tây (Ảnh: Legacy Greens)

Yếu tố cuối cùng nhưng lại thuộc hàng quan trọng nhất, đó là về ý nghĩa văn hóa và tôn giáo của Giáng sinh. Nếu như ở ngày thường, tôn giáo là một vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp trong mắt người dân Việt Nam. Thì đến Giáng sinh, chúng ta ra đường để tự do tận hưởng bầu không khí của một trong những dịp lễ mang đậm tính tôn giáo nhất, từ đó hiểu rõ và có cái nhìn cởi mở hơn với văn hóa tôn giáo đã tồn tại hàng thế kỷ nay.

Trẻ con háo hức nhìn theo tay người lớn chỉ cho mình thấy nhà thờ, hang đá, rồi được nhận những món quà bất ngờ từ ông già Noel. Còn giới thanh niên thì sẽ khám phá thêm được nhiều tập tục Giáng sinh thú vị mà nhiều khi chúng ta chỉ được tiếp xúc qua phim ảnh mà thôi.

Giáng sinh này, cho dù bạn chọn ở nhà như Tây hay ra đường như ta, vẫn xin chúc bạn một mùa an lành, hạnh phúc. (Ảnh: Travel Sense Asia)

Thế cho nên Tây ở nhà cũng có cái tốt, mà ta ra đường cũng có cái hay. Chỉ cần bất kể là ở trong nhà hay ngoài phố, cả Tây và ta đều cảm nhận được âm hưởng chung đầy ấm áp của dịp Giáng sinh, thì đó đã là một dịp lễ tuyệt vời.

Giáng sinh này, cho dù bạn chọn ở nhà như Tây hay ra đường như ta, vẫn xin chúc bạn một mùa an lành, hạnh phúc. Và trong một thời điểm nào đó, mong bạn có thể cho phép bản thân mình sống chậm lại. Vì nói cho cùng, chọn cách đón Giáng sinh nào không quan trọng bằng cách tận hưởng nó ra sao. Chọn cho mình sống chậm lại khi năm cũ đã dần qua, tức là bạn đã chọn được cho mình một mùa Giáng sinh đầy ý nghĩa.

Bài: Trung Đăng

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/Home/Mua-Noel-Tay-o-nha-con-ta-ra-duong/48952.dep