Mùa Phật đản ở cố đô Huế

Được xem như thủ đô của Phật giáo Việt Nam, cố đô Huế đang có rất nhiều điều 'lần đầu tiên' được chờ đợi tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561 (Dương lịch 2017).

Trong đó, hình ảnh những tăng ni và phật tử trong màu áo nâu sồng sáng chiều miệt mài với công tác từ thiện đã góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội, đem lại ấm no cho cộng đồng.

Độc đáo con đường rước Phật

Người dân và du khách bốn phương đều cảm nhận được không gian lễ hội tâm linh tôn vinh đức Phật ở vùng đất cố đô Huế. Không chỉ có các tổ đình, niệm phật đường mà đến tư gia, tất cả đều treo cờ hoa chào mừng mùa Phật đản an lành. Cùng với đó, mùa Phật đản Phật lịch (PL) 2561 tại Huế còn tái hiện “con đường rước Phật” từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm qua các trục lộ chính tại thành phố Huế dài 3,9km, với sự tham gia của hàng ngàn tăng ni, phật tử. Con đường rước Phật trang trí bởi các cụm hoa sen, biểu tượng và panô kính mừng Phật đản lộng lẫy hài hòa với cảnh sắc sông Hương, núi Ngự. Đoàn rước đi qua các con đường, góc phố, cây cầu với hàng lối thẳng đều, trầm lặng, tạo thành một khung cảnh rước Phật linh thiêng và hoành tráng. Trong khi hai bên đường người đứng xem đứng chật cứng đều biểu lộ lòng thành kính, vui mừng và chắp tay chào khi đoàn rước Phật đi qua. Ở những nơi không có đoàn rước Phật đi qua, người dân đón Phật tại tâm, tại nhà bằng việc trang hoàng ngôi nhà của mình lấp lánh đèn sao và hoa sen - vừa là một biểu tượng của Phật, đồng thời cũng là biểu tượng cho tâm hồn thanh cao.

Thắp sáng 7 đóa sen trên sông Hương mở đầu tuần lễ Phật đản Phật lịch 2561 tại Huế

Thắp sáng 7 đóa sen trên sông Hương mở đầu tuần lễ Phật đản Phật lịch 2561 tại Huế

Mùa lễ Phật đản PL 2561 tại Thừa Thiên - Huế kéo dài trong 8 ngày (ngày 3 đến 10-5) với một số hoạt động như văn nghệ, thuyết pháp tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, diễu hành xe hoa, lễ Mộc dục tại lễ đài chùa Diệu Đế, lễ chính thức Đại lễ Phật đản tại Tổ đình Từ Đàm… Điểm nhấn và là hoạt động diễn ra trong suốt mùa Phật đản tại Huế năm nay là việc thắp sáng 7 bông hoa sen khổng lồ trên dòng sông Hương, thể hiện ý nghĩa “7 bước đi thanh tịnh của Phật”. Hoa sen khổng lồ được làm bằng khung sắt và vải lụa hồng đặt trên một bệ phao nổi, nặng 300kg, đường kính 7,6m, cao 3,7m. Đây còn là hoạt động hướng về tuần lễ Phật đản năm 2017, đồng thời là tuyệt tác do các tăng ni, phật tử Thừa Thiên - Huế thực hiện, biểu tượng thanh tịnh của Đức Phật giữa đời thường. Cạnh đó, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế soi mình xuống dòng sông Hương đang diễn ra triển lãm ảnh với chủ đề “Hương thiền” do Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế tổ chức, giới thiệu đến công chúng 60 tác phẩm ảnh nghệ thuật nói về hoạt động Phật giáo của 29 tác giả nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trong, ngoài nước gửi về tham dự. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Bá Thịnh (TP Huế) cho biết, toàn bộ số tiền được nhận hỗ trợ trong triển lãm lần này sẽ được ban tổ chức ủng hộ cho các trẻ em mồ côi trên địa bàn.

Lan tỏa tình yêu thương

Mùa Phật đản ở Huế đã đi vào lòng người, trở thành truyền thống hoạt động văn hóa tâm linh mang tính nhân văn cao đẹp. Năm nay, Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đi thăm, tặng quà cho người nghèo, người khiếm thị và các bệnh nhân nhân mùa Phật đản PL2561. Theo đó, đoàn đã trao tặng 400 suất quà cho các hội viên Hội người khiếm thị cùng các cháu mồ côi, khuyết tật tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị; thăm hỏi động viên và tặng quà tận tay 1.265 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Kinh phí trao quà hơn 510 triệu đồng do các tăng ni, phật tử đóng góp. Hòa thượng Thích Huệ Phước, Phó Trưởng ban tổ chức Đại lễ Phật đản PL2561 tại Thừa Thiên - Huế, khẳng định: “Chúng tôi xem các hoạt động từ thiện là chương trình phật sự rất quan trọng với châm ngôn “Lấy từ bi làm lẽ sống”, “thương người như thể thương thân”, thực hiện tốt chức năng của người xuất gia, đem đến những lợi ích thiết thực cho dân nghèo”.

Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng quà người khuyết tật

Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tổ chức quyên góp, vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cứu trợ kịp thời cho đồng bào nghèo. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi và động viên hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng được hưởng ứng tích cực không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng đến các tỉnh, thành phố khác như: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai..., với kinh phí hơn 100 tỷ đồng tính riêng từ năm 2012 - 2017. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động lớn do Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát động, tăng tín đồ đều tích cực hưởng ứng tham gia nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của các tầng lớp nhân dân, ổn định an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong mỗi cộng đồng dân cư. Nhiều tăng ni, phật tử còn tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ các cấp và các đoàn thể, tổ chức xã hội khác như Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo… “Tất cả vì mục đích thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người, như lời đức Phật dạy”, Hòa thượng Thích Huệ Phước chia sẻ.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/mua-phat-dan-o-co-do-hue-444046.html