Mùa săn cổ tức

Bước vào mùa đại hội cổ đông hằng năm cũng là dịp để các nhà đầu tư lựa chọn những cổ phiếu chia cổ tức cao khi doanh nghiệp chốt lịch chi trả.

Chiến thuật đầu tư theo cổ tức là lựa chọn khá hợp lý cho nhiều nhà đầu tư cá nhân

Cổ tức 80%

Không kể nhiều doanh nghiệp (DN) chia cổ tức bằng cổ phiếu (CP), một số DN chọn cách trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông ở mức cao đáng kể. Một trong những DN đang giữ “quán quân” về mức chi cổ tức bằng tiền hiện nay là CTCP dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS) khi trả cổ tức 2 đợt của năm 2016 bằng tiền với tỷ lệ lên đến 80%, tức mỗi CP nhận được 8.000 đồng. Trong năm qua, MAS đạt 296 tỉ đồng doanh thu, tăng 30% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt gần 45 tỉ đồng, tăng 19%. Nhờ đó, EPS (lợi nhuận trên mỗi CP) năm 2016 lên gần 14.500 đồng/CP. Hiện MAS đang giao dịch với giá 104.700 đồng/CP, P/E (hệ số giá trên thu nhập) ở mức 7,2 lần, được đánh giá là thấp hơn trung bình ngành và trung bình thị trường (khoảng 12 - 13 lần).

Gương mặt mới nằm trong danh sách trả cổ tức cao cho năm 2016 còn có thể kể đến CTCP chế biến gỗ Đức Thành (GDT) với tỷ lệ chia 60% (6.000 đồng/CP). Nguyên nhân tăng là năm 2016 công ty có thêm lợi nhuận từ việc chuyển nhượng lô đất Mỹ Phước 2. Với mức EPS đạt 7.179 đồng và giá CP trên sàn là 58.500 đồng, chỉ số P/E của GDT hiện là 8,1 lần.

Trong khi đó, dù xét về tỷ lệ chia không bằng những DN nêu trên nhưng CTCP sản xuất và kinh doanh Kim Khí (KKC) trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%, tương ứng 5.000 đồng/CP. Với mức giá hiện tại là 15.900 đồng/CP, EPS đạt 8.000 đồng, chỉ số P/E của CP này là 1,98 lần, thấp hơn nhiều so với P/E bình quân toàn thị trường. Điều này có được nhờ năm qua KKC ghi nhận lãi ròng sau thuế hơn 38 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 22,6 tỉ đồng, chủ yếu nhờ giá vốn hàng bán giảm...

Giá thấp cổ tức cao mới lợi

Nếu chỉ mới nhìn theo tỷ lệ cổ tức công bố của các DN thì tỷ lệ càng cao càng tốt, đồng nghĩa với cổ đông sẽ nhận được nhiều tiền. Tuy nhiên, cổ tức cao còn phải được lựa chọn đi kèm với giá CP. Bởi để so sánh chọn mua CP nào có khả năng sinh lời cao hơn, hoặc nói CP nào giá rẻ hơn thì phải xem xét đến chỉ số P/E.

Trong những ví dụ nêu trên, KKC chỉ trả cổ tức tỷ lệ 50%, thấp hơn mức 80% của MAS (tương ứng thấp hơn 3.000 đồng/CP) nhưng giá của KKC thấp hơn nhiều. Nếu xét chỉ số P/E thì giá KKC thuộc dạng rẻ nhất trên sàn. Với tiêu chí lựa chọn này, có thể xem đến nhiều CP đang ở mức giá rất rẻ trên sàn như CTCP muối Khánh Hòa (KSC) chỉ có giá 400 đồng nhưng chia cổ tức là 1.200 đồng. Như vậy cổ tức nhận được đã gấp 3 lần giá cổ đông bỏ ra mua CP. Hay trường hợp của CTCP tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TVG) cũng trả cổ tức cho năm 2015 tỷ lệ 10%, tương ứng 1.000 đồng/CP trong khi giá CP này chỉ ở mức 500 đồng. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền ra mua CP trước đó là đã thu được lợi nhuận ngay mà không cần quan tâm đến biến động tăng hay giảm giá trên sàn chứng khoán…

Tuy nhiên, cũng không quá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến những CP có giá chỉ vài trăm đồng, nhất là những DN vẫn chỉ đang giao dịch trên sàn UPCoM do thanh khoản quá thấp. KSC, TVG… thậm chí nhiều phiên liên tục không có giao dịch mua hay bán nào xảy ra. Một phần do đây là những công ty nhỏ, lượng CP ít và chủ yếu đang được cán bộ nhân viên sở hữu với mục tiêu nhận được cổ tức hằng năm nên không bán ra ngoài. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư vẫn không mặn mà với CP trên UPCoM do các quy định đối với DN trên sàn này không bị siết chặt, khiến nhiều DN không công bố hoặc chậm công bố thông tin, thông tin không đầy đủ... Từ đó, niềm tin vào hoạt động của DN cũng không cao. Do vậy, theo các chuyên gia chứng khoán, chiến thuật đầu tư theo cổ tức là một lựa chọn khá hợp lý cho nhiều nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên lựa chọn các CP có lượng giao dịch hằng ngày khá tốt để dễ dàng mua hoặc bán khi cần.

Thảo Vy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/mua-san-co-tuc-816939.html