Tôn chỉ, mục đích báo chí từ nhận thức đến thực tiễn

Xã hội càng phát triển, báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hằng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. Mỗi cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích riêng được luật định, song Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã quy định rõ, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…

Báo chí phản ánh toàn diện mọi mặt đời sống xã hội

Thời kỳ công nghệ số hiện nay khiến báo chí Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn bởi những Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)…

Trong đó, hiện nay mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, thông tin ngày càng nhanh và đa dạng, nhờ đó độc giả có sự thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí vừa định hướng dư luận, vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, đa dạng loại hình báo chí thông tin đối với công chúng. Để phù hợp xu thế, báo chí hiện nay cũng đã có những sản phẩm đa phương tiện mới như multimedia với các kiểu bài như: infographics, mega story, e-magazine, long-form…

Báo chí phản ánh toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có những việc tốt, mặt trái của xã hội, những vụ việc vi phạm pháp luật. Nhà nước đã có rất nhiều quy định để đảm bảo hoạt động nghề nghiệp cho nhà báo. Theo đó Luật báo chí quy định: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

Như vậy, theo quy định của Luật Báo chí thì báo chí có chức năng nhiệm vụ rất cụ thể, rất quan trọng, có ảnh hưởng tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, là một hoạt động không thể thiếu trong một xã hội văn minh, công bằng, tiến bộ. Sự phát triển của xã hội, mức độ văn minh công bằng của xã hội sẽ phụ thuộc vào mức độ hoạt động của báo chí và các hoạt động phản biện xã hội khác. Bởi vậy hành vi gây cản trở báo chí hoạt động nghề nghiệp là hành vi cản trở sự phát triển của xã hội, gây bất bình đẳng trong xã hội và có thể tạo ra những khoảng tối, những bất công.

Nghị định mới được Chính phủ ban hành quy định về hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt đến 100 triệu đồng. Cụ thể, tại điểm d khoản 9 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Nghị định 14/2022/NĐ-CP còn tăng mức phạt tiền đối với các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí như sau: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên (trước đây phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng); phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên (trước đây phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng).

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên (trước đây phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng).

Phóng viên tác nghiệp tại Hội Báo toàn quốc 2022.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, những năm qua công tác thông tin, truyền thông đã đóng góp rất tích cực trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Nhưng bên cạnh những tác động tích cực đó, thời gian qua, báo chí đã đăng tải không ít những vụ việc đáng buồn, những mặt tối của chính nghề báo với hàng loạt vụ việc phóng viên bị bắt, bị khởi tố vì hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Dù các trường hợp này chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng tiếng xấu thường lan rất nhanh, gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề báo và những người làm báo chân chính.

Không hạn chế việc chống tham nhũng của báo chí

Đứng trước thực trạng với nhiều cơ hội và thách thức đó, công tác quản lý báo chí đặt ra nhiều vấn đề, nhất là vấn đề thực hiện tôn chỉ, mục đích. Trước câu hỏi về vấn đề quy hoạch báo chí trong thời gian qua của đại biểu Phan Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) về tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan, tổ chức chủ quản báo chí, phải bám theo tôn chỉ, mục đích, phản ánh bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam. Mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ riêng và các cơ quan báo chí phải theo nhiệm vụ này, hay còn gọi là bám theo tôn chỉ, mục đích tuyên truyền.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tôn chỉ, mục đích giúp báo chí viết chuyên sâu và đây là cách tiếp cận của Việt Nam, được luật định. Về ý kiến cho rằng, hoạt động theo tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế báo chí chống tham nhũng, Bộ trưởng khẳng định điều này không hạn chế việc chống tham nhũng của báo chí. Bởi cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực chuyên ngành của cơ quan chủ quản có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo chuyên ngành, thậm chí báo chí viết rất sâu. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Về tôn chỉ, mục đích, hầu hết các phóng viên nhà báo đều cho rằng, không vì tôn chỉ, mục đích mà hạn chế, gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Bởi hiện nay có không ít cơ quan, doanh nghiệp chưa hiểu đúng, hoặc cố tình để cản trở phóng viên, nhà báo liên hệ tác nghiệp mỗi khi vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra. Có những vấn đề sẽ không được báo chí nêu ra, không được phản ánh. Còn có những vấn đề thì quá nhiều báo chí phản ánh, đưa tin dẫn đến không phản ánh hết bức tranh tổng thể của đời sống xã hội, không góp phần phơi bày những góc khuất, những điểm tối hoặc những gương người tốt điển hình, những cái được và cái chưa được trong đời sống xã hội. Bởi vậy quy định về tôn chỉ mục đích đối với tình tờ báo là cần thiết để đảm bảo hoạt động báo chí trong nước đạt hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu chung của báo chí. Nhưng không vì thế mà hiểu sai về tôn chỉ, mục đích của báo chí gây khó khăn, cả trở cho quá trình phóng viên tác nghiệp.

Dù tôn chỉ mục đích khác nhau, các tờ báo khác nhau nhưng đều phải tuân thủ quy định pháp luật của Luật Báo chí, trong đó Luật Báo chí cũng quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Tuân thủ tôn chỉ mục đích, đồng thời báo chí cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật, mà cụ thể là Luật Báo chí ở Điều 9.

Điều 38. Luật Báo chí quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí như sau: Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Thời gian qua không ít trường hợp phóng viên, nhà báo đã bị đe dọa, trả thù, bị cản trở hoạt động tác nghiệp gây bức xúc trong dư luận. Nhiều đối tượng đã bị xử lý trước pháp luật, trong đó có những đối tượng đã phải lĩnh án tù và bị xã hội lên án. Tuy nhiên nhận thức về trách nhiệm công dân, về nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức trong việc cung cấp thông tin báo chí, đảm bảo hoạt động báo chí của một số tổ chức cá nhân còn hạn chế. Đặc biệt là các tổ chức cá nhân có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nên sợ báo chí, thậm chí tấn công, chống đối lại báo chí để che giấu hành vi vi phạm pháp luật.

Bởi vậy, trong những tình huống phóng viên, nhà báo bị đe dọa, bị tấn công, bị cản trở tác nghiệp thì các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc hỗ trợ, can thiệp kịp thời để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà báo đồng thời bảo vệ đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt là cơ quan công an, cơ quan thanh tra và lãnh đạo các tổ chức, các đơn vị cần có nhận thức đầy đủ thống nhất để đảm bảo hoạt động báo chí được thực hiện một cách tốt nhất theo quy định pháp luật. Ở đâu để xảy ra tình trạng nhà báo bị cản trở tác nghiệp, bị hành hung, đe dọa đến tính mạng sức khỏe thì cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị hành chính cũng như cơ quan tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn, địa phương. Có tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm con người nói chung, bảo vệ hoạt động tác nghiệp của báo chí nói riêng thì xã hội mới văn minh, tiến bộ, công bằng. Những góc khuất, góc tối trong xã hội sẽ được phản ánh, phơi bày bởi báo chí để người vi phạm, người làm sai nhận thức được để sửa sai, để xã hội tốt đẹp hơn, văn minh hơn, công bằng hơn. Những người tốt, việc tốt phải được nêu gương, phải được nhân rộng để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ton-chi-muc-dich-bao-chi-tu-nhan-thuc-den-thuc-tien-209190.html