Mùa xuân Ảrập: Tìm hòa bình khó hơn nổi dậy

Một phụ nữ đối diện với xe ủi của lực lượng an ninh gần một người biểu tình bị thương

(CATP) Ở Libya, lực lượng dân quân vũ trang đã lấp đầy một khoảng trống còn lại từ cuộc nổi dậy lật đổ ông Gaddafi. Ở Syria, cuộc tổng nổi dậy đã biến thành một cuộc nội chiến khiến hơn 100.000 người chết và tạo ra một thiên đường cho những kẻ cực đoan Hồi giáo. Ở Tunisia, những chia rẽ chính trị gay gắt ngày càng tăng đã trì hoãn việc thảo ra một hiến pháp mới.

Và giờ đây ở Ai Cập, thường được coi là nước dẫn đầu khuynh hướng của thế giới Ảrập, quân đội và các lực lượng an ninh, sau khi lật đổ vị tổng thống Hồi giáo dân bầu, đã tàn sát hàng trăm người ủng hộ ông, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và làm trầm trọng thêm sự phân cực vốn đã rất sâu.

Rõ ràng là hiện trạng khu vực đã bị hư hỏng về cơ bản trong ba năm kể từ khi bùng nổ cuộc nổi dậy mà những người lạc quan gọi là Mùa xuân Ảrập. Điều đó đã được minh chứng đầy đủ ở Ai Cập hôm thứ tư vừa qua, khi sự áp dụng trở lại chiến thuật đàn áp trong quá khứ đã vấp phải sự phẫn nộ dữ dội từ những người biểu tình Hồi giáo đã trải nghiệm sự trao quyền.

Hầu hết các cuộc nổi dậy đều rơi vào cảnh tranh đấu ác liệt. Các nhà sử học và nhà phân tích Trung Đông nói rằng tình trạng ứ đọng về kinh tế và chính trị dưới nhiều thập kỷ cai trị độc đoán dẫn đến các cuộc nổi dậy cũng để lại hậu quả là các nước Ảrập trở nên ốm yếu tới mức khó xây dựng được các chính phủ mới và xã hội dân sự. Trong khi một số phong trào đạt được các mục tiêu ban đầu của họ là loại bỏ các nhà lãnh đạo lâu năm ở bốn nước kể trên, mục tiêu rộng lớn hơn của họ - tiến tới dân chủ, nhân phẩm, nhân quyền, công bằng xã hội, và an ninh kinh tế - đến giờ dường như xa xôi hơn bao giờ hết.

Báo New York Times dẫn lời Sarkis Naoum, nhà phân tích chính trị tại một báo ở Lebanon, nói: “Trật tự khu vực cũ đã qua, trật tự mới đang bị kéo vào các cuộc đổ máu... Không người tham gia nổi dậy nào ở Syria, Libya, Ai Cập hay Tunisia được chuẩn bị cho những gì xảy đến tiếp theo”.

Theo nhiều cách, Mùa xuân Ảrập đã để lộ những vết nứt xã hội sâu sắc giữa những người theo chủ nghĩa thế tục và những người Hồi giáo và giữa những giáo phái khác nhau.

Ở Tunisia, nơi phát sinh các cuộc nổi dậy, đảng Hồi giáo ôn hòa đang nắm quyền đã không thể xây dựng sự đồng thuận đủ để thảo ra một hiến pháp mới, và nhiều lãnh đạo đối lập bị ám sát.

Việc loại trừ chính trị cũng ảnh hưởng đến sự chuyển tiếp của Ai Cập. Sau thắng lợi của các cuộc bầu cử hậu cách mạng, Mohamed Morsi, tổng thống vừa bị phế truất, và đồng minh của ông trong phong trào Anh em Hồi giáo đối mặt với sự phản đối dữ dội từ những người buộc họ tội xuyên tạc dân chủ.

Khắp khu vực, những biến động chính trị cho đến nay vẫn thất bại trong việc giải quyết các nhu cầu của hàng triệu thường dân đòi thay đổi - về việc làm, lương thực, chăm sóc sức khỏe và nhân phẩm cơ bản. Nếu có thay đổi là ở chỗ nỗi bất bình của họ ngày càng lớn hơn.

Các nhà sử học lưu ý rằng việc thay đổi tận gốc chính trị ở bất kỳ đâu cũng phải mất nhiều thập kỷ hoặc nhiều thế hệ. Như vậy tương lai tươi sáng đối với các nước Mùa xuân Ảrập còn rất xa.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=501290&mod=detnews&p=