Mục đích thực sự của Nga khi chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng đánh dấu chấm hết thời kỳ mặn nồng Nga-Thổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Nguồn: Asia Times

Bất chấp thiệt hại về kinh tế, Moscow chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với Kiev vì một số lý do sau:

Thứ nhất, đây được xem là đòn trả đũa của Moscow trước những động thái đối phó gần đây của phương Tây, đặc biệt là tại Thượng đỉnh NATO ở Thủ đô Vilnius của Litva. Cụ thể, NATO có ý định kéo dài cuộc chiến ở Ukraine nhằm tiêu hao sinh lực của Nga. Với việc kết nạp thêm các thành viên mới là Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển, phương Tây đang dần hiện thực hóa mục tiêu này.

Bên cạnh đó, Ukraine tiếp tục tấn công quân sự dọc theo tiền tuyến nước này cũng như vào các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập, bao gồm cả Crimea. Thêm vào đó, Mỹ, EU và đồng minh đang siết chặt lệnh trừng phạt đối với Nga.

Trước nguy hiểm cận kề, Moscow buộc phải đưa ra những đối sách gây ảnh hưởng đến mục đích của phương Tây và việc chấm dứt thỏa thuận Biển Đen đang tỏ ra đặc biệt hiệu quả khi khiến nhiều đồng minh của Mỹ bị thiệt hại.

Thứ hai, Nga răn đe Thổ Nhĩ Kỳ vì hành động quay lưng. Vốn là một quốc gia có quan hệ khá gần gủi với Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ lại quay ngoắt theo phương Tây khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan công khai ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Không những vậy, ông còn tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và trả tự do cho 5 chỉ huy quân sự Ukraine bị Nga trục xuất sang quốc gia mình.

Do vậy, Nga buộc phải có những động thái trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đánh mất sự tín nhiệm được gây dựng thông qua thỏa thuận ngũ cốc. Đồng thời, việc không tạo dựng mối quan hệ thân thiện với Nga sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất đi vị thế hiện tại trong NATO với tư cách là cầu nối cuối cùng giữa phương Tây và Nga. Đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine là đòn giáng thẳng vào ông Erdogan và là lời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên đi quá xa.

Thứ ba, cho đến nay Moscow đã 4 lần gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Điều đó cho thấy ông Putin cũng có thể quay trở lại với thỏa thuận này vào một thời điểm thích hợp. Động thái rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc cho thấy đòn trả đũa quyết đoán của Nga khi khiến phương Tây và đồng minh phải gánh chịu thiệt hại cũng như làm gián đoạn nhiều kế hoạch của NATO. Tuy nhiên, vì thỏa thuận này cũng vô cùng quan trọng với Moscow nên nhiều khả năng ông Putin sẽ quay trở lại lần nữa.

Động thái ứng phó của Thổ Nhĩ Kỳ

Với việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải nỗ lực giải quyết hậu quả sau khi Moscow rời đi.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đặc biệt quan trọng đối với Ukraine khi mang lại cho Kiev hàng tỷ USD. Với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận này khẳng định uy tín, vai trò và tầm ảnh hưởng của Ankara trên trường quốc tế, đặc biệt trong vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Việc Nga dứt khoát chấm dứt thỏa thuận đã ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ, buộc quốc gia này xích lại gần phương Tây hơn.

Cụ thể, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý thay đổi chính sách tiền tệ dưới thời tân Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek và tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hafize Gaye Erkan.

Ankara cũng đã bàn giao các chỉ huy Azov cho Ukraine cũng như đồng ý cho Thụy Điển gia nhập NATO - Liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ từ một nước trung lập giờ đây trở thành “không thân thiện”. Đồng thời, Moscow cũng tăng cường công kích đối tác cũ của mình trên các phương tiện truyền thông.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là một Thỏa thuận giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc được ký ngày 22/7/2022, cho phép xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ ba cảng chính của Ukraine ở Biển Đen vì cả lý do kinh tế và nhân đạo.

An Thái (theo Asia Times)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quoc-te/muc-dich-thuc-su-cua-nga-khi-cham-dut-thoa-thuan-ngu-coc-bien-den/178554.htm