Mục tiêu khó ngờ của TT Putin sau sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề Triều Tiên

Khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang nguội đi, Nga tận dụng cơ hội này để mở rộng ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng. Moscow xem đây là cách để tạo đòn bẩy có lợi cho mình trong việc đàm phán với phương Tây.

Nga “sẽ làm nên chuyện”

Theo NZherald, sau khi gây chấn động toàn cầu với một loạt vụ phóng thử tên lửa và thử hạt nhân lần thứ 6, Triều Tiên tiếp tục làm phật lòng Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

Dù cả Nga và Trung Quốc đều lên án cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên là hành động khiêu khích, song chỉ Moscow phản đối các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì hành động này.

Mỹ đang hối thúc hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra lệnh cấm vận dầu với Triều Tiên và “đóng băng” tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, để đáp trả vụ thử vũ khí mới đây.

Trong một động thái ngược lại, Tổng thống Nga Putin lập luận, trừng phạt không hiệu quả và không làm cho Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí của mình.

Tổng thống Nga Putin cho rằng, trừng phạt không hiệu quả với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Nga Putin cho rằng, trừng phạt không hiệu quả với Bình Nhưỡng.

Ông Putin cũng cảnh báo, không nên áp dụng các biện pháp quân sự với Triều Tiên vì điều đó sẽ gây hậu quả lớn.

Trước phản ứng của Nga, nhiều câu hỏi về động thái và vai trò của Moscow trong việc giải quyết sự căng thẳng ở Triều Tiên được đặt ra.

Bàn luận về vai trò của Nga trong vấn đề Triều Tiên, tờ Washington Post từng đăng ý kiến chuyên gia cho rằng Nga “sẽ làm nên chuyện”.

“Họ muốn có ghế tại bàn đàm phán, có đòn bẩy cho một trong hai vai trò bảo vệ, hoặc trung gian”, một quan chức chính quyền giấu tên nói với tờ Washington Post.

Nói về vai trò của Nga, Paul Saunders, Giám đốc trung tâm Lợi ích quốc gia chia sẻ: “Nó mang lại cho họ một cơ hội để góp phần làm suy yếu, hoặc phá bỏ chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Những ảnh hưởng của Nga với Triều Tiên không có gì lạ, bởi nước này lâu nay luôn hỗ trợ Bình Nhưỡng trong một số lĩnh vực.

Triều Tiên và Nga vốn có sự gắn bó về kinh tế và lại có chung đường biên giới.

Khi chưa sụp đổ, Liên Xô là nước hậu thuẫn lớn về kinh tế cho Triều Tiên, nhưng hiện tại Nga chỉ chiếm 1% thương mại của nước này.

Vào năm 2014, Nga đã xóa 90% món nợ 11 tỷ USD mà Bình Nhưỡng nợ từ thời Liên Xô.

Trò chơi quyền lực

Trong báo cáo của công ty tình báo tư nhân Stratfor, việc Nga tham gia nhiều hơn vào vấn đề Triều Tiên cho thấy, Moscow đang tìm kiếm sự mở rộng ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Báo cáo hồi tháng Năm có tên “Nga đang nắm lấy cơ hội ở Triều Tiên” cho thấy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang nguội đi và Moscow tận dụng cơ hội này.

Theo đó, Nga đang mở rộng ảnh hưởng với Bình Nhưỡng, đồng thời xem đây là một cách để tạo đòn bẩy có lợi cho Moscow trong việc đàm phán với phương Tây.

Nga đang tìm kiếm sự mở rộng ảnh hưởng của nước này qua vấn đề Triều Tiên.

Báo cáo cũng cho hay, Nga đang toan tính loại trừ kế hoạch tăng áp lực lên Triều Tiên của Mỹ.

“Mặc dù không thể thay thế Trung Quốc trong vai trò là đối tác chính với Triều Tiên nhưng Nga đang nỗ lực để phá hủy nhiều kế hoạch của Mỹ nhằm tăng áp lực lên Triều Tiên”, báo cáo tiết lộ.

TT Putin: “Chúng ta không nên đẩy Bình Nhưỡng vào đường cùng”

Cùng với Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đang thúc đẩy việc tăng cường trừng phạt Triều Tiên.

Trong một cuộc họp với Tổng thống Nga Putin, ông Moon đã đề nghị Nga ủng hộ việc trừng phạt Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Putin lại đưa ra giải pháp là tăng cường đàm phán với Triều Tiên với lập luận, trừng phạt không ngăn được chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Chúng ta không nên đẩy Bình Nhưỡng vào đường cùng”, ông Putin phát biểu trong một cuộc họp.

“Mọi người nên kiềm chế và kiềm chế các bước dẫn đến leo thang và căng thẳng”, ông Putin cho biết sau khi đưa ra cảnh báo hậu quả của việc sử dụng quân sự chống lại Bình Nhưỡng.

“Đó là con đường không đi đến đâu”, ông Putin phân tích về khả năng sử dụng quân sự với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Giới quan sát cũng nhận định, có thể Nga đang muốn tiếp tục gây ấn tượng trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu nữa.

“Việc Nga đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề thế giới nhắc chúng ta nhớ về thời Liên Xô là một siêu cường có thể ảnh hưởng đến tất cả các cuộc xung đột khắp toàn cầu”, nhà nghiên cứu Samuel Ramani, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga viết trên Washington Post gần đây.

“Về mặt này, việc Nga ngày càng chú ý đến Triều Tiên giống như việc họ mở chiến dịch quân sự ở Syria, hay mở rộng hiện diện ngoại giao ở Libya và Afghanistan. Moscow đang cố gắng tạo dựng vai trò cường quốc toàn cầu một lần nữa”, ông Ramani nhận định.

V.T.H

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/muc-tieu-kho-ngo-cua-tt-putin-sau-su-quan-tam-dac-biet-den-van-de-trieu-tien-a338628.html