Mục tiêu phát triển bền vững của Đà Nẵng đối diện nhiều thách thức

Tốc độ đô thị hóa quá nóng của Đà Nẵng đang đặt ra nhiều thách thức trong phát triển khi quy hoạch, thiết kế xây dựng thiếu tính bền vững về môi trường sinh thái, dịch vụ đô thị chưa hoàn thiện và nhất là khả năng chống chịu thiên tai còn hạn chế.

Hôm nay (11/8), Hội Quy hoạch Phát triển đô thị (PTĐT) TP. Đà Nẵng, Tạp chí Đô thị & Phát triển tổ chức Hội thảo “Những khó khăn, thách thức mục tiêu phát triển bền vững của TP. Đà Nẵng trong tương lai”. Gần 100 nhà khoa học, kiến trúc sư tham dự Hội thảo đã có nhiều hiến kế xây dựng Đà Nẵng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nhiều hiến kế xây dựng Đà Nẵng phát triển bền vững trong thời gian tới được đề xuất tại Hội thảo

Nhiều thách thức

Đà Nẵng là địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ khi trực thuộc TW (năm 1997) đến nay, Đà Nẵng đã thực sự phát triển về mọi mặt, nhất là sự thay đổi về diện mạo đô thị. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng trong thời gian qua của Đà Nẵng để lại nhiều hệ lụy như cạn kiệt đất xây dựng, ô nhiễm môi trường, thiếu cây xanh, hệ thống hạ tầng xã hội quá tải… .

KS. Nguyễn Văn Chung- nguyên Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng gần như cạn kiệt quỹ đất sau 20 năm thực hiện xây dựng theo quy hoạch chung. Nguyên nhân là do việc khai thác quỹ đất theo hình thức chia lô, bán nền diễn ra tràn lan, gây lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất đô thị và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Đồng cái nhìn với KS Nguyễn Văn Chung, KTS. Hoàng Quang Huy- Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT Đà Nẵng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng. Nguy cơ suy giảm về môi trường sinh thái, giảm đa dạng sinh học do quá trình quy hoạch và thiết kế xây dựng thiếu tính bền vững về bảo tồn, tôn tạo và đặc biệt là thiếu sự tích hợp không gian xanh vào quy hoạch đô thị …

Theo GS.TS Đỗ Hậu- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam, quy hoạch ở Đà Nẵng trong một thời gian dài chạy theo nhu cầu của thị trường bất động sản, các khu vực gần sông nước, gần biển, là nơi có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, yếu tố rủi ro thiên tai lại không được tính đến. Chẳng hạn việc quy hoạch phát triển thành phố về phía Nam là khu vực trũng dễ bị tác động bởi BĐKH hay việc không nghiên cứu về khả năng cấp nước trong mối quan hệ với tỉnh Quảng Nam là địa phương ở thượng nguồn.

“Nội dung đánh giá tác động môi trường và chiến lược trong các đồ án quy hoạch đô thị của Đà Nẵng còn mang nặng tính hình thức, chưa lồng ghép các vấn đề môi trường vào quá trình lập quy hoạch. Đồng thời các rủi ro, tình trạng dễ bị tổn thương chưa được tính đến trong các nghiên cứu và đề xuất giải pháp quy hoạch nhằm giảm nhẹ rủi ro và thiên tai”- GS.TS Đỗ Hậu phân tích.

KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT Đà Nẵng

Ngoài ra, các nhà khoa học, kiến trúc sư cũng chỉ ra rằng trong quy hoạch của Đà Nẵng, diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước và các công trình phúc lợi công cộng hạn chế, nhiều nơi bị cắt xén chia lô hoặc chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho các dự án du lịch, dịch vụ mà người dân không được tiếp cận, thụ hưởng.

“Hiện nay, toàn TP chỉ có 64ha cây xanh công cộng, bình quân 0,6m2/người, quá thấp so với quy chuẩn cũng như chỉ tiêu mà đề án “Thành phố môi trường” đặt ra là 9-10m2/người. Rõ ràng, không gian cây xanh, mặt nước đã không được kiểm soát trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết”- KS Nguyễn Văn Chung, nguyên Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng cho biết.

Phát triển đô thị bền vững

Trong chiến lược phát triển tương lai, Đà Nẵng theo hướng hiện đại hóa nhưng phải đảm bảo mục tiêu thân thiện với môi trường và lấy lợi ích của người dân là trung tâm cho định hướng phát triển.

Với dự báo phát triển đến năm 2030, dân số Đà Nẵng là 2 triệu người và đến năm 2050 là 3 triệu người trong khi quỹ đất đô thị rất hạn hẹp, theo KTS. Hoàng Sừ, thành phố nên lựa chọn mô hình  đô thị nén, tức là đô thị phát triển theo chiều cao, dành nhiều đất cho cây xanh và hạ tầng đô thị, đặc biệt cần xác định những vùng đất dự trữ phát triển cho tương lai. Ông đề xuất giải pháp không gian để “lồng” một “siêu đô thị”  mới (quy mô khoảng 1 triệu dân) vào long đô thị cũ, nối biển bắc vào biển Đông, nối sông, nối biển , nối cũ, nối mới tạo nên một Đà Nẵng xứng tầm khu vực và châu Á. Và “siêu đô thị” mới này được xác định là khu vực từ quảng trường phía Bắc biển Thanh Bình kéo vào khu sân bay Đà Nẵng với diện tích khoảng 500ha, sẽ là trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng cao tầng, cao cấp … vệt đô thị này sẽ kéo tiếp qua trung tâm cao tầng tại khu Hoà Xuân, Hoà Tiến, vượt qua ngã ba xong nhập vào khu sân bay Nước Mặn, để làm thành khu tập trung của trung tân hành chính, trung tâm dịch vụ mới …

Để Đà Nẵng phát triển bền vững, việc bảo vệ môi trường sinh thái là yếu tố quan trọng trong quy hoạch

Quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững là ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. TS. KTS Trương Văn Quảng- Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam đề xuất một “Hệ thống cấu trúc thiên nhiên” bao gồm lưu vực các con sông, suối, ao hồ, mặt nước biển, đồi núi, hệ thống cây xanh… cần được xác định rõ, chính danh trong cấu trúc đô thị. Trong đó, cần tăng cường khai thác yếu tố “nước” để phát huy lợi thế và tạo ra bản sắc cho đô thị du lịch biển.

Còn theo NGND.GS.TSKH Nguyễn Thế Bá- Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam, để hướng đến một đô thị kiểu mẫu văn minh, Đà Nẵng cần xác lập vấn đề kiểm soát phát triển với hệ thống quy hoạch và các kế hoạch hành động cho đô thị và từng khu vực trong từng thời gian bằng các giải pháp chiến lược và đầu tư đa ngành trong quy hoạch chung và chi tiết xây dựng đô thị.

Lựa chọn những giải pháp thận trọng, tích hợp trong phát triển khai thác, đồng thời với giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, tạo một môi trường sống tốt cho hiện tại và tương lai, phải là tôn chỉ mục tiêu hướng tới của quy hoạch thành phố Đà Nẵng để phát triển bền vững trong tương lai.

Bài & ảnh: Lan Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong-va-phat-trien/201708/muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-da-nang-doi-dien-nhieu-thach-thuc-2833783/