Mục tiêu Vietjet đang nhắm tới là khách hàng trẻ tuổi

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 của CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, mục tiêu mà hãng đang hướng đến chính là khai thác những khách hàng trẻ chưa từng đi máy bay và khai thác những vùng mà chưa được khai thác hết.

Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ được khách hàng hiện nay ưa chuộng. Theo số liệu của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khoảng 70% số người đi máy bay lần đầu mỗi năm sử dụng dịch vụ bay của Vietjet Air.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ của Vietjet Air. Ảnh: Vietjet

Kể từ khi thành lập đến nay, hãng đã không ngừng gia tăng sức cạnh tranh của mình thông qua liên tiếp đầu tư máy bay mới, nâng tổng số đường bay cả trong và ngoài nước. Kết thúc năm 2016, hãng đã thực hiện 84.455 chuyến bay an toàn, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đạt 83,57%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,57%, thuộc nhóm cao nhất của đội máy bay A320/321 trong khu vực. Các chỉ số an toàn khai thác mặt đất, kỹ thuật, khai thác bay đều ở mức cao so với các hãng hàng không trong khu vực. Trong năm 2016, Vietjet Air nhận thêm 12 máy bay mới, nâng tổng số lên 41 máy bay bao gồm 30 máy bay A320 và 11 máy bay A321, vận chuyển 14,05 triệu lượt khách, tăng 50.9% so với năm 2015, vươn lên vị trí dẫn đầu trên thị trường nội địa.

Dự kiến đến cuối năm 2017, Vietjet Air sẽ khai thác 51 máy bay với tổng số 98.124 chuyến bay và dự kiến vận chuyển 17 triệu hành khách. Đồng thời nâng tổng số đường bay lên 41 đường bay nội địa và 37 đường bay quốc tế. Cùng với phát triển đội máy bay, Vietjet Air sẽ tập trung mở rộng mạng bay quốc tế, mở rộng đường bay tới các nước khu vực Bắc Á và Đông Bắc Á, tham gia hợp tác liên doanh (codeshare), hợp tác interline với các hãng hàng không có các đường bay đi châu Âu, châu Mỹ. Mạng đường bay nội địa sẽ được củng cố, với việc mở rộng các đường bay đến hầu hết các sân bay nội địa.

Đáng chú ý, chỉ cách đây 2 tuần, Vietjet Air còn bị bủa vây từ đề xuất áp giá sàn vé máy bay đến nguy cơ xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới. Nhưng tình hình đã xoay chuyển khi sẽ chẳng có mức giá sàn nào, và Vietstar Airline - một hãng hãng không mới được cho là đối thủ của Vietjet Air có lẽ sẽ phải đợi 2 năm nữa để hạ tầng Tân Sơn Nhất được mở rộng mới có thể cất cánh. Qua đó, các yếu tố bất lợi bên ngoài đã tạm được dẹp bỏ, và khả năng tăng trưởng bây giờ sẽ chủ yếu phụ thuộc vào nội lực của Vietjet.

Từ đây, Vietjet Air đã đề ra kế hoạch doanh thu đạt 42.018 tỷ đồng (tương đương hơn 1,8 tỷ USD) tăng 50% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.629 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 9.094 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2017 dự kiến 50% trong đó, tiền mặt tối đa là 30%.

Xét về cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) đạt mức 9.586 đồng/cổ phiếu dù mới lên sàn chưa đầy 2 tháng. Đây là mức giá rất cao thể hiện sức khỏe của một doanh nghiệp. Kể từ ngày lên sàn đến nay (21/4/2017) cổ phiếu VJC đã tăng mạnh từ 90.000 đồng/cổ phiếu lên 131.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn 46%.

Ánh Hoa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/muc-tieu-vietjet-dang-nham-toi-la-khach-hang-tre-tuoi-d57175.html