Muốn bác lời khai tại tòa, phải nêu rõ lý do

Trong phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng, với tư cách là người làm chứng, ông Dương Chí Dũng đã khai tuồn tuột ai đã điện báo cho mình và khai ra việc chạy tội…

Với lời khai này, trong lời luận tội kiểm sát viên (KSV) đã đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét khởi tố vụ án và tòa đã ra quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Có lẽ đây là trường hợp hãn hữu mà HĐXX tin vào lời khai tại phiên tòa nên mới khởi tố vụ án, còn hầu hết lời khai mới của bị cáo và những người tham gia tố tụng không được HĐXX chấp nhận, thậm chí còn bị quy chụp là “phản cung”, đổ tội, chối tội!

Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu HĐXX vụ án ông Chấn bị kết án oan về tội giết người ở tỉnh Bắc Giang cũng tin vào lời khai tại phiên tòa của ông thì sự thể đã không đến nỗi ông Chấn phải đi tù oan hơn 10 năm và biết đâu lúc đó HĐXX đã quyết định khởi tố vụ án “bức cung, nhục hình!?”.

Thực tế, có nhiều phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng thay đổi lời khai hoặc khai thêm về những tình tiết mới của vụ án nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc ghi nhận và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xác định làm rõ hoặc khởi tố vụ án tại phiên tòa.

Vậy lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có phải là căn cứ để HĐXX trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung hay khởi tố vụ án tại phiên tòa? Nó có là chứng cứ để tòa ghi nhận, kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ?...

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, lời khai của người tham gia tố tụng nói chung và của người làm chứng nói riêng chỉ là “nguồn chứng cứ” chứ không phải là chứng cứ. Chứng cứ phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Lời khai tại phiên tòa chỉ trở thành chứng cứ khi và chỉ khi nó đã được chứng minh bằng sự thật. Việc chứng minh một lời khai có phải là sự thật hay không, nhất thiết phải qua hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu chỉ có lời khai, ngoài ra không có các chứng cứ khác hoặc lời khai đó không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác thì lời khai đó chưa phải là chứng cứ.

Lời khai của bị cáo và người tham gia tố tụng tại phiên tòa phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực. HĐXX, KSV phải xác định và đánh giá lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án. Lời khai của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Tuy nhiên, việc đánh giá nội dung lời khai tại phiên tòa để xem nội dung những lời khai đó là sự thật lại là một việc không hề đơn giản nếu không muốn nói là rất khó. Thực tế có nhiều trường hợp HĐXX khởi tố vụ án tại phiên tòa nhưng sau đó quyết định khởi tố đó không được VKS chấp nhận, thậm chí bị kháng nghị.

Xác định một lời khai tại phiên tòa có phải là chứng cứ hay không là hoạt động tư duy nên có thể đúng hoặc sai nhưng dù muốn hay không HĐXX vẫn phải đánh giá những lời khai đó và chịu trách nhiệm với việc đánh giá của mình. Cách khác, HĐXX phải trả lời cho những người tham gia phiên tòa vì sao chấp nhận hoặc không chấp nhận lời khai tại tòa với đầy đủ lập luận, căn cứ để có ứng xử cho phù hợp chứ không thể bác bỏ bằng câu nhận định muôn thuở: “Lời khai không có căn cứ!”.

ĐINH VĂN QUẾ

Nguồn PLO: http://plo.vn/tap-chi-phap-luat/muon-bac-loi-khai-tai-toa-phai-neu-ro-ly-do-445342.html