Muộn còn hơn không

Dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng dễ phải đến hàng trăm nghìn người dân đã phải trả giá trước liên tiếp các chiêu trò chiêu dụ, móc túi, thậm chí cả lừa đảo trong việc dốc tiền mồ hôi xương máu cả đời tích cóp để đổ vào đầu tư đa cấp trong nhiều năm qua.

Sự cả tin, thiếu hiểu biết và cả lòng tham của người tham gia đa cấp trong phần lớn trường hợp là điều không cần bàn cãi. Không mê muội thì sao người tham gia dễ dàng móc ví để trả tiền cho những món hàng có mức giá cao hơn giá trị thực tới cả 82 lần. Những món hàng được bán qua các “vòng xoáy” mê muội đa cấp đã mang lại những khoản thu khổng lồ cho các công ty đa cấp: 7.800 tỷ đồng chỉ trong một năm.

Nói đa cấp dễ lừa đảo, móc túi không sai nhưng nói dễ dụ dỗ người tham gia cũng chưa hẳn đúng. Thực tế hơn một năm qua cho thấy, sau khi các cơ quan quản lý trước sức ép của dư luận mà buộc phải vào cuộc, số người tham gia bán hàng đa cấp đã giảm rất mạnh. Tính đến cuối năm 2016 chỉ còn 637.637 người, giảm 212.363 người (so với cuối năm 2015. Công ty đa cấp đình đám nhất Việt Nam là Thiên Ngọc Minh Uy, số lượng người tham gia cũng giảm 44% so với cuối năm 2015, xuống còn 472.000 người).

Đích thân Bộ trưởng Công Thương cũng phải thừa nhận, đóng góp thực sự của các doanh nghiệp đa cấp cho ngân sách nhà nước là không đáng kể. Tiền đóng chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập thu được từ các công ty đa cấp. Ngay cả việc tạo ra thu nhập và việc làm cũng được chứng minh là không hiệu quả. Người tham gia trước chủ yếu “dụ dỗ”, “lừa” người tham gia sau và kiếm lợi từ việc bán các thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, với giá cao.

Một lỗ hổng nghiêm trọng về mặt pháp lý cũng lần đầu tiên được người đứng đầu ngành công thương chỉ rõ: Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã cấm sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh các sản phẩm không phải là hàng hóa nhưng do đã bỏ tội “kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự nên khi phát hiện được hành vi, các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý. Chỉ đến khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, hậu quả đã phát sinh mới có thể vào cuộc để xử lý theo tội lừa đảo.

Lời giải thích do “hổng luật” một phần cũng có thể được cảm thông. Nhưng trên bình diện quản lý, số người tham gia đa cấp sẽ không nhiều, không phải “trả giá” đau thương đến mức độ đó nếu như cơ quan quản lý là Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh sớm đưa ra cảnh báo và thậm chí tuýt còi, mạnh tay trừng phạt những công ty đa cấp có nhiều vi phạm.

Dẫu muộn nhưng việc nỗ lực tìm kiếm một “trật tự mới” thông qua tăng cường quản lý, vá các lỗ hổng pháp lý trong quản lý đa cấp của ngành công thương đáng được ghi nhận. Chỉ mong những quyết tâm này được thực hiện đến cùng.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/muon-con-hon-khong-1150953.tpo