Muốn gặp 'người rừng' phải đưa tiền triệu

Ai muốn tiếp cận hoặc nhờ dẫn vào căn chòi trên cây của cha con 'người rừng' đều phải đưa cho ông Hồ Minh Lâm từ 1 đến 5 triệu đồng.

Sau 1 tuần từ rừng sâu trở về, trong lúc hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang đau ốm phải nằm viện điều trị thì ông Hồ Minh Lâm (cháu ruột của ông Thanh) lại "vòi" các phóng viên báo chí phải đưa từ 1 đến 5 triệu đồng khi tiếp cận "người rừng".

Ông Lâm bảo, lúc đầu đưa hai cha con ông Thanh từ rừng sâu về nhà cần báo chí giúp đỡ chứ bây giờ ai muốn phỏng vấn, hỏi chuyện "người rừng" phải đưa ít nhất 1 triệu. "Muốn dẫn vào căn chòi lá ở rừng sâu phải đưa từ 3 đến 5 triệu đồng chứ tui còn đi làm việc nương rẫy nữa, không có thời gian", ông Lâm nói.

Ông Hồ Minh Lâm (đội mũ đỏ, cháu ruột ông Thanh) vòi tiền phóng viên khi hỏi chuyện hai cha con "người rừng". Ảnh: Văn Minh

Theo những người dân sinh sống gần nhà ông Lâm ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà, sở dĩ có chuyện "vòi tiền" là do tình cờ nghe một thanh niên đùa giỡn bày chuyện thu tiền vé khi có người đến xem "người rừng" Hồ Văn Lang từ lúc ở rừng sâu mới về tá túc nhà ông Lâm. Thấy ngày nào cũng đông người đến xem, chụp ảnh anh Lang, ông Lâm nảy sinh ý định kinh doanh "người rừng" lấy tiền.

Trước sự việc này, ông Hồ Văn Tri (con ruột ông Thanh) bất ngờ cho rằng, ông Lâm lấy người thân ra để vòi tiền người khác là việc làm không đúng với bản chất thật thà, tốt bụng của đồng bào dân tộc Cor, huyện miền núi Tây Trà.

Sau khi nhận được thông tin, ông Hoàng Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà đã chỉ đạo xã Trà Phong mời ông Lâm lên tuyên truyền, nhắc nhở không tái phạm tình trạng lấy hình ảnh hai cha con "người rừng" ra để vòi tiền.

Ông Ngọc cho biết thêm, Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Trà đã họp bàn xem xét chế độ, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cha con "người rừng" sớm hòa nhập cộng đồng. Theo đó, trước mắt huyện cấp mới giấy chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu, bố trí cấp đất và hỗ trợ tiền xây nhà cho hai cha con ông Thanh; đồng thời xem xét chế độ thương, bệnh binh cho ông Thanh từng là bộ đội tham gia đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Các y, bác sĩ Ttung tâm y tế huyện Tây Trà chăm sóc, điều trị "người rừng" Hồ Văn Thanh. Ảnh: Văn Minh.

Sau 1 tuần nằm điều trị ở Trung tâm y tế huyện Tây Trà, mỗi khi đêm về các y, bác sĩ cúp điện thì ông Thanh hoảng sợ chui dưới gầm giường bệnh lẩn trốn, miệng gầm gừ như loài thú hoang. Mãi đến khi điện được bật sáng trở lại, ông Thanh mới chịu trở lại nằm trên giường. " Thấy lạ, tôi gặng hỏi cha thì ông bảo sợ bóng tối mọi người đến bắt đi nên những đêm qua các y, bác sĩ ở đây để điện sáng từ đêm đến rạng sáng", ông Tri nói.

Theo ông Tri, sức khỏe của ông Thanh đã dần bình phục nhưng miệng cứ lẩm bẩm ngôn ngữ đồng bào Cor "Tra xú mờ gót" (nghĩa là muốn trở về núi rừng, thăm rẫy).

Bác sĩ Châu Nguyễn Thương, giám đốc Trung tâm y tế huyện Tây Trà cho biết, do chưa quen môi trường sống, hai cha con ông Thanh có dấu hiệu sốt cao, rối loạn tiêu hóa. Hiện sức khỏe của hai cha con ông dần ổn định, hồi phục cần tiếp tục theo dõi, điều trị thêm vài ngày nữa mới có thể xuất viện.

Văn Minh

Nguồn Ngôi Sao: http://ngoisao.net/tin-tuc/thoi-cuoc/24h/muon-gap-nguoi-rung-phai-dua-tien-trieu-2863969.html