'Muốn mất sạch tiền – chỉ cần mất thẻ tín dụng HSBC' - bài viết đang gây bão mạng

Bài viết trên Facebook cá nhân của anh Lâm Việt Vương Quốc (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) sau 16 giờ đăng đã thu hút được gần 1500 lượt chia sẻ, 1700 lượt bình luận và 8500 lượt likes.

Qua bài viết này, nhiều người dùng có ý định “hủy thẻ sau khi đọc” vì lo lắng cho an toàn tài sản của mình có thể bị mất dễ dàng vì chiếc thẻ tín dụng. Những năm gần đây, các ngân hàng tại Việt Nam dường như trước sức ép mở rộng hệ thống thẻ tín dụng nên tung rất nhiều chiêu khuyến mãi để có càng nhiều khách hàng làm thẻ càng tốt. Chỉ tiêu này còn áp đến từng nhân viên trong ngân hàng.

Trường hợp cụ thể xảy ra đối với anh Vương Quốc bị mất 19.150.000 đồng mà cơ hội được hoàn trả rất mong manh. Lời khuyên cho những người dùng thẻ tín dụng hiện nay là hãy giữ thẻ cẩn thận, tốt nhất bạn nên dán 1 lớp băng dính đen vào mã CCV đằng sau thẻ để khi giao dịch trực tiếp bằng thẻ tại quầy, nhân viên không liếc được CCV của bạn. Ngoài ra, bạn cần báo khóa thẻ cho ngân hàng ngay khi mất để ngân hàng phong tỏa thẻ. Đặt hạn mức giao dịch hàng ngày phù hợp hoặc nếu điện thoại có tin nhắn bất thường cần xử lý ngay.

Dưới đây là bài viết đang gây bão mạng trên facebook của anh Quốc, tạp chí Xã hội thông tin xin phép đăng nguyên văn:

“Ở Mỹ, đạo luật về thẻ tín dụng bảo vệ người dùng thẻ khi bị mất cắp, đơn giản, bạn chỉ cần thông báo về việc mất thẻ, và ngay cả khi kẻ cắp đã kịp dùng thẻ của bạn thực hiện một số giao dịch mua bán, bạn sẽ chỉ mất tối đa là $50. Tốt hơn cả, nếu bạn kịp thời khai báo trước khi bất kì giao dịch không hợp pháp nào xảy ra, bạn sẽ chẳng mất đồng nào cả.

Hãy nhớ xem xét kĩ những điều khoản trong hợp đồng làm thẻ tín dụng, đặc biệt là những lợi ích mà bạn có thể nhận được khi mất thẻ. Một số công ty cho phép bạn miễn hoàn toàn trách nhiệm hay các khoản nợ nếu bị lừa đảo. Thời điểm tốt nhất để quan tâm đến những thông tin này là trước khi bạn phải cần đến nó."

Ờ Việt Nam, thì HSBC có điều luật sau, được gửi kèm cùng email trả lời mình sau 11 ngày kể từ ngày mình khiếu nại giao dịch không cho phép do sự cố mất thẻ trước đó, để minh chứng rằng HSBC hoàn toàn không có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ khách hàng và bảo mật thẻ tín dụng.

" Điều 13. Bảo đảm an toàn trong sử dụng thẻ 

Trường hợp thẻ bị lợi dụng trước khi Tổ Chức Phát Hành Thẻ có xác nhận bằng văn bản hoặc bằng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý về việc đã xử lý thông báo nhận được từ chủ thẻ, chủ thẻ phải hoàn toàn chịu thiệt hại và bồi thường thiệt hại do việc để thẻ bị lợi dụng gây ra."

Để recap lại cho ai chưa biết, thì mình bị mở locker lấy mất thẻ credit mà không biết, đến tối thì nhận dc tin nhắn thanh toán hai giao dịch những 19tr150k. Ngay lập tức mình gọi khóa thẻ, và lúc này HSBC không thông báo gì khác ngoài việc thứ hai lên ngân hàng trình báo mất thẻ. Sau đó vì lo lắng mình đã gọi lại và được biết hai giao dịch được thực hiện tại Thế Giới Di Động. Sáng hôm sau mình truy ra được cửa hàng đó nhờ portal của TGDD và trực tiếp đến làm việc với quản lí cửa hàng, được cho thấy camera quay mặt người lấy thẻ mình cà và số dt để lại, nhưng ko được cho xem receipt thanh toán có chữ kí giả.

Ngay sau đó, mình trình báo công an, và tới giờ không tin tức.

Hôm sau thứ hai, mình trình báo HSBC và được bạn nhân viên quầy hỏi anh đưa đơn khiếu nại với mục đích gì? Lỗi là lỗi của anh, và cái đơn này theo chia sẻ thân tình của cô là không đi đến đâu đâu. Còn chuyện check chữ kí thì tùy cửa hàng chứ không bắt buộc. Nhưng cô vẫn nhận đơn xem như là ngân hàng có nhận khiếu nại của anh. Và sẽ liên hệ lại sớm. Về mình ngay lập tức viết mail complain và recap lại tình hình điều tra của mình, hi vọng HSBC có giải pháp, vì một chị trong công ty đã bị tương tự nhưng citybank đã hoàn trả 100% tiền sau thời gian điều tra.

11 ngày sau ngân hàng không trả lời, mình và chị trong công ty qua trực tiếp ngân hàng làm việc thì được cho vào 1 góc nói chuyện với điện thoại. Bạn trong điện thoại nhận hết mọi quan ngại bằng câu sẽ cố gắng giải quyết sớm, gọi điện thoại và gửi mail sau, mình đành ra về.

Tối, HSBC gửi mail viết rằng sau quá trình điều tra, phòng hỗ trợ khiếu nại tìm ra được cửa hàng TGDD mà đã thanh toán số tiền đó, cùng số dt người đó để lại, nghĩa là tất cả quá trình điều tra sau 11 ngày của HSBC bằng 1 ngày điều tra của mình và mình đã trình bày ngay từ đầu. Cuối thư HSBC luận theo luật trên và tuyên bố rất tiếc sẽ không giải quyết trường hợp này, không đưa khiếu nại lên visa quốc tế, và khuyên rằng nên liên hệ công an để giải quyết mất mát trên.

Viết tới đây thấy cạn lời. Từ cô nhân viên quầy, đến phòng khiếu nại, đến cô tiếp tân đều không hề có một chút thái độ hỗ trợ, không một động thái bảo vệ khách hàng. Mất thẻ là tai nạn không ai muốn, nhưng chữ kí nằm trên thẻ TGDD không hề so, camera có ngay hiện trường, HSBC không buồn điều tra đến. Mình tự hỏi nếu tiếp tục dùng, đến một lúc nào đó mất thẻ, bạn sẽ nhận ra rằng sự rủi ro khi dùng thẻ credit HSBC ở VN lớn đến mức nào. Mà lúc nhận ra thì quá muộn màng rồi.”

Khi trao đổi với anh Vương Quốc về bài đăng Facebook, anh có chia sẻ với tôi một ý kiến của một bạn đọc phản hồi dưới bài viết "Mẹo tránh mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng" đăng trên báo VnExpress khiến tôi khá bối rối "Trách nhiệm của ngân hàng phát hành thẻ là phải bảo vệ khách hàng bằng các qui định bảo mật, chứng thực, các loại bảo hiểm... đừng đổ trách nhiệm bảo vệ thông tin lên đầu khách hàng. Phó mặc rủi ro cho khách hàng là hành vi vô trách nhiệm vì ngân hàng là người đầu tiên và duy nhất nắm giữ thông tin cá nhân của khách hàng. Mỗi khi lộ thông tin khách hàng gây thiệt hại, ngân hàng phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Ngân hàng là một định chế với nguồn lực to lớn, chỉ có họ mới đủ sức tạo ra cơ chế bảo vệ hiệu quả cho số lớn khách hàng. Vậy mà họ đẩy trách nhiệm rủi ro sang những người tiêu dùng đơn lẻ, những người không đủ kiến thức và nguồn lực để tự bảo vệ, như vậy là sai. Điều này là nguyên tắc của phổ biến ở các nước phát triển, các ngân hàng luôn thu hồi tiền cho khách hàng nếu thực sự họ không chi tiêu. Dịch vụ ngân hàng ở VN quá kém, người dùng credit card còn chịu nhiều rủi ro hơn dùng debit card mặc dù họ đóng cho ngân hàng đủ thứ phí trời ơi đất hỡi".

Tuy nhiên, lời khuyên cuối cùng của người viết bài báo này dành cho khách hàng đó là "Hãy tự bảo vệ chìa khóa giữ tiền của mình trước khi những rủi ro xảy đến". Bạn có thể đăng ký 2 thẻ tín dụng, một thẻ để chuyên để thanh toán mua hàng ngoại tuyến - hủy chế độ thanh toán online, 1 thẻ chuyên dùng cho việc thanh toán online, đây cũng có thể là một giải pháp người dùng nên nghĩ đến để bảo vệ túi tiền của mình.

Hải An

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201607/muon-mat-sach-tien-chi-can-mat-the-tin-dung-hsbc-bai-viet-dang-gay-bao-mang-535814/