Muôn nẻo đào rừng chở về miền xuôi

Nếu như Hà Nội đặc trưng với loại đào Nhật Tân cánh to, hoa đỏ thắm thì miền sơn cước như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu lại tự hào về loại đào rừng hoa phớt hồng – đặc sản núi rừng Tây Bắc. Quốc lộ 6 đoạn qua tiểu khu Vườn đào, thị trấn Mộc Châu, cách Hà Nội 160km về phía Tây Bắc, ngược xuôi là các loại phương tiện chở đào rừng đi khắp các nơi.

Người biết chơi đào ở Hà Nội hoặc những vùng miền xuôi thường lựa chọn loại loại đào rừng vừa độc vừa đẹp để trưng bày trong nhà dịp tết đến xuân về. Chính vì vậy, đào rừng được chở về xuôi ngày càng nhiều do được giá và có nhu cầu khá lớn. Những tay buôn đào rừng và người chơi hoa những ngày cận tết này đều lên một số nơi miền núi như thị trấn Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để mua đào và vận chuyển về thủ đô hoặc các vùng lân cận khác.

Cận cảnh một chiếc xe tải chở đào từ thị trấn Mộc Châu về Hà Nội

Đào rừng có nét riêng so với đào Nhật Tân. Nếu như đào Nhật Tân cánh hoa dầy, nhiều lớp, màu đỏ tươi thì đào rừng có màu hồng phớt, cánh mỏng, lộc và nụ nhiều. Những dân chơi sành hoa thường thích đào rừng bởi vẻ đẹp độc đáo, tượng trưng cho núi rừng. Đào rừng chính vụ khoảng một tháng nữa mới bắt đầu nở rực trời Tây Bắc. Để phục vụ cho nhu cầu chơi hoa ngày Tết, những người khai thác đào phải lựa chọn cành đào già, nhiêu lộc và nụ.

Nóc xe ô tô cũng được trưng dụng để chở đào

Anh Quốc Hùng, một người buôn đào thường chở những cành đào rừng từ thị trấn Mộc Châu xuống khu vực Nhà hát lớn Hà Nội cho biết: “Đào rừng năm nay nếu giá ở Mộc Châu chỉ khoảng từ 500 nghìn đến vài triệu thì xuống tới Hà Nội giá phải tăng lên gấp 3-5 lần. Đặc biệt là những gốc đào già, mốc, có dáng và có nhiều chồi lộc và nụ sẽ bán được giá tầm trên chục triệu một cành”.

Xe máy...

Thậm chí là cả ngựa cũng được huy động

Ước tính, một chuyến xe của anh Hùng phải chở được hơn 500 cành đào rừng về thủ đô Hà Nội. Để vận chuyển được nhiều nhất có thể, các cành đào được buộc lại cho gọn, xép chồng trên xe tải. Những chiếc xe này sẽ vận chuyển những cành đào rừng đi trong đêm để sáng hôm sau kịp tới thủ đô.

Anh Sơn, người buôn đào tại thị trấn Mộc Châu cho biết: “Những người dân tộc Mông ở đây lên rừng chặt đào, sau đó chở xe máy xuống thị trấn, bán lại cho những người buôn nhỏ lẻ. Giá cả tùy thuộc vào dáng, số lượng nụ hoa và lộc”.

Tại ngã ba Pa Háng, đường vào cửa khẩu Lóng Sập, cách Hà Nội 189km, mỗi ngày đều có hàng chục chuyến xe tải chở hàng trăm cành đào rừng từ Yên Châu hoặc Mộc Châu về xuôi. Ngoài những người buôn đào lớn, nhiều người dân cũng tự chở đào bằng xe máy từ phía cửa khẩu Lóng Sập, sát biên giới Lào, về thủ đô để bán cho được giá. Đào rừng ở đây thường được người dân tộc Mông khai thác được ở các cánh rừng sát biên giới Lào, hoặc các khu vườn đào thuộc tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Mộc Châu, Sơn La.

Đào rừng bày bán ở ven đường đoạn gần cửa khẩu Lóng Sập, Mộc Chấu

Đào tập trung nhiều nhất ở tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu

Thị trấn Vườn Đào, thị trấn Mộc Châu là nơi trồng và cung cấp đào rừng cho nhiều nơi nổi tiếng của tỉnh Sơn La. Tại đây, hàng trăm cành đào được cắm vào xô nước, bày bán dọc hai bên đường để khách về xuôi hoặc các lái buôn dễ dàng xem và lựa chọn.

Đào rừng phơn phớt hồng, nhiều nụ và lộc

Những ngày cuối tuần, số lượng xe chở đào càng đông lên gấp bội. Những cành đào rừng này chủ yếu được chuyển về các chợ hoa ở Hà Nội, hoặc chở theo đơn đặt hàng ở dưới thủ đô hoặc các vùng lân cận như: Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh...

Clip Đào rừng khoe sắc đón xuân sang:

Hồng Hạnh

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/muon-neo-dao-rung-cho-ve-mien-xuoi-a122356.html