Muốn start-up, đừng ảo tưởng

Đó là lời nhắn nhủ của các chuyên gia gửi đến các sinh viên tại buổi tọa đàm “CFO và hành trình khởi nghiệp”, do Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Công ty Tài chính HD SAISON đồng tổ chức.

Cần biết thu-chi

Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, khẳng định: “Ý tưởng kinh doanh khi chưa triển khai chỉ có giá trị bằng 0. Rất nhiều dự án start-up thành công tại Việt Nam hiện nay đều có ý tưởng bắt nguồn từ nước ngoài và được cải biên để phù hợp với thị trường trong nước. Rất nhiều bạn trẻ khi xây dựng kế hoạch khởi nghiệp đều mắc sai lầm, đó là quá lạc quan về dự báo doanh thu nhưng lại thiếu cẩn trọng trong việc tính toán chi phí.

Thận trọng là điều kiện tiên quyết của các start-up CFO. Dự báo, lập kế hoạch và phân tích là vấn đề chen chốt tại mỗi giai đoạn trong tiến trình phát triển của công ty.

TS. LÊ ĐẠT CHÍ

Hệ quả, các dự án xuất hiện chưa đủ lâu đã hết vốn và không thể tồn tại, bất chấp các ý tưởng có thể rất hay”. TS. Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc HD SAISON, cho rằng so với thời anh còn ngồi trên ghế giảng đường, các sinh viên hiện nay có hiểu biết rộng hơn, được trang bị nhiều kỹ năng mềm hơn, sử dụng thành thạo tiếng Anh và có rất nhiều ý tưởng kinh doanh.

Nhưng sự bền bỉ, kiên trì trong việc theo đuổi đến cùng các dự định, dự án của mình nhiều sinh viên vẫn chưa đạt được. “Chỉ khi quyết tâm, cộng với đam mê với dự án của mình các doanh nhân start-up mới nhận ra những vấn đề tồn tại, những điểm nghẽn trong dự án để khắc phục” - TS. Đàm Thế Thái khẳng định. Khi một dự án start-up thành công, người ta hay đề cập đến vai trò của CEO, nhưng trong thực tế vai trò của CFO (giám đốc tài chính), hay người phụ trách tài chính cũng cực kỳ quan trọng. Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT M_Service - đơn vị chủ sở hữu dịch vụ Ví điện tử MoMo, khẳng định dự án start-up dù ở giai đoạn nào, từ ý tưởng cho đến khi được triển khai lớn mạnh đều cần những CFO giỏi. Các dự án khởi nghiệp vốn không dồi dào về tiền bạc, nên CFO của các dự án này cần phải có sự quyết đoán, biết chi mạnh ở đâu và đồng thời chỗ nào cần thắt chặt.

Tư duy CFO

Hiện tại, mặt bằng lương của CFO trên thị trường tối thiểu cũng ở mức 60 triệu đồng/tháng và rõ ràng đây là một con số quá tầm với nhiều DN, chưa nói đến các dự án start-up, vốn được mặc định là “con nhà nghèo”. Nghĩa là vai trò của CFO đối với start-up rất quan trọng, nhưng trong thực tế các dự án khởi nghiệp không thể thuê được CFO. Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi khẳng định, điều quan trọng đầu tiên là những người khởi nghiệp phải có “tư duy CFO” trước khi nghĩ đến chuyện có CFO thực thụ. ThS. Trần Hồng Ninh, Tổng giám đốc dự án start-up Bệnh viện Ô tô (BVOT), cho biết: “Sau gần nửa thập niên hoạt động, BVOT vẫn chưa đủ tiền để có vị trí của CFO. Tuy nhiên, khi xây dựng hệ thống quản trị cho công ty, tôi đã thiết lập được những chức năng liên quan đến quản lý dòng tiền, thu-chi nhằm chi tiết hóa các hoạt động tài chính, và đây cũng là những nghiệp vụ quan trọng của CFO”. Một cá nhân làm nhiều việc, đảm nhận nhiều vai trò là khá phổ biến trong các dự án start-up, như vậy chỉ cần có tư duy về quản lý dòng tiền ngay từ đầu, các doanh nhân trẻ sẽ dần thiết lập được chức năng CFO trong hoạt động của mình.

Nhờ xây dựng hệ thống quản lý tài chính vững chắc,
Bệnh viện Ô tô đã trở thành một trong những dự án start-up thành công hiện nay.

Chuyên gia Lê Trọng Nhi cho biết thêm, hiện tại ông nhận lời làm cố vấn cho một số dự án start-up với mức lương tượng trưng 1 triệu đồng và cũng rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành tài chính của mình đến các doanh nhân trẻ. Ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng, các dự án start-up cần có sự tương tác với hệ sinh thái (ecosystem) trong ngành nghề của mình đang hoạt động. Chẳng hạn, dự án Ví điện tử Momo phát triển thành công cũng nhờ nhu cầu thanh toán online ngày càng phát triển, đi kèm với sự bùng nổ của thương mại điện tử. Dự án start-up về phân phối thiết bị âm thanh 3kShop và thiết bị chơi game AzAudio từ đầu năm 2016 đã liên kết với HD SAISON trong việc bán hàng trả góp. TS. Đàm Thế Thái cho biết, ngoài việc hỗ trợ tín dụng cho khách hàng của 2 hệ thống này, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý để những người sáng lập dự án start-up có thể quản lý được dòng tiền tốt hơn. Đừng nghĩ rằng, chỉ khi thắt lưng buộc bụng mới cần đến CFO, ngay cả khi DN phát triển, dòng tiền thu về nhiều việc kiểm soát cũng vô cùng quan trọng.

Theo TS. Lê Đạt Chí, Phó Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM, đối với CFO của một công ty khởi nghiệp (start-up CFO), công việc và trách nhiệm sẽ phức tạp và lớn hơn so với CFO của công ty đã đi vào hoạt động. Start-up CFO là người kiến tạo nền tảng cho DN, vì vậy họ phải nỗ lực rất nhiều và tham gia vào mọi hoạt động bên ngoài nghiệp vụ tài chính, vốn được ví von như các nhà huấn luyện cá nhân.

THÁI CA

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160914/muon-start-up-dung-ao-tuong-14-9-2016.aspx