Mỹ – Ấn – Nhật bắt tay, Trung Quốc có đủ lý do để lo lắng

Theo giới chuyên gia, mối quan hệ hợp tác thân thiết giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ khiến Trung Quốc tỏ ra ngày càng thận trọng trong hành động trước các vấn đề mang tính quốc tế.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Ấn Độ hồi tuần trước giúp mở ra hàng loạt các dự án chung lâu dài giữa hai nước cùng với cuộc đối thoại 3 bên của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã trở thành những lý do khiến Trung Quốc phải lo lắng.

"Chắc chắn, Trung Quốc sẽ phải lo lắng về mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Lâu nay, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều luôn tỏ ra nghi ngờ trước những ý định của Trung Quốc. Mối lo ngại của họ càng gia tăng trước những hành động gần đây của Trung Quốc", Giáo sư Swaran Singh tại Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru chia sẻ với Sputnik.

Sự thân thiết gần đây giữa Nhật Bản và Ấn Độ đang trở thành lý do khiến Trung Quốc phải lo lắng.

Sự thân thiết gần đây giữa Nhật Bản và Ấn Độ đang trở thành lý do khiến Trung Quốc phải lo lắng.

Trong đó, điều Trung Quốc lo ngại nhất hiện nay chính là thỏa thuận tăng cường hợp tác hàng hải giữa Nhật – Ấn trên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được hai nước ký kết ngay trong chuyến thăm hồi tuần trước tới Ấn Độ của Thủ tướng Abe.

Ngoài ra, Mỹ cũng chia sẻ mối quan ngại với Nhật - Ấn về sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc. Trong cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 18/9, Mỹ một lần nữa nhấn mạnh, sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc cần tránh xâm phạm chủ quyền và quyền hợp nhất lãnh thổ của các quốc gia khác.

Về phần mình, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Nhật Bản đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện và đường ở các bang phía đông bắc Ấn Độ.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh cho rằng các dự án kết nối đường xá và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ ở khu vực phía đông bắc có đường biên giới chung với Trung Quốc sẽ là biện pháp trả đũa trước các dự án tương tự mà Trung Quốc triển khai với Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir.

"Trung Quốc coi sự phát triển trong quan hệ Nhật - Ấn là cách New Delhi phản ứng trước những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong chiến lược Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan diễn ra ở khu vực tranh chấp Kashmir mà Pakistan đang nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, Trung Quốc hoan nghênh việc Nhật Bản chuyển giao một chiếc tàu cao tốc cho Ấn Độ bởi sự bùng nổ của các dự án xây dựng đường sắt sẽ giúp Trung Quốc có thêm cơ hội tham gia các dự án ở Ấn Độ", ông Singh chia sẻ.

Cũng theo ông Singh, cả Nhật Bản và Ấn Độ hiện được xem là những người bạn thân thiết của Mỹ. Trong khi Mỹ lại đang đứng trước thách thức bị Trung Quốc giành mất ngôi vị số 1 thế giới. Và mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Nhật - Ấn trong thời gian gần đây cũng đang khiến Trung Quốc "đứng ngồi không yên". Ngoài ra, quan hệ đối tác Nhật - Ấn trong dự án "Hành lang Tăng trưởng châu Á – châu Phi" được khởi động mới đây nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước, đang được xem là đối thủ cạnh tranh với sáng kiến "Con đường Tơ lụa trên biển" của Trung Quốc.

Đây chính là điều khiến nhiều chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tỏ ra thận trọng hơn trong các hành động của mình liên quan tới những vấn đề quốc tế khi tính tới cái bắt tay của Nhật - Ấn.

"Quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt giữa Nhật - Ấn sẽ đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng thời tạo ra một nguồn hỗ trợ thay thế cho các quốc gia thiếu thốn cơ sở hạ tầng và buộc Trung Quốc phải nhạy cảm hơn trong các vấn đề liên quan tới quy định và quy tắc của cộng đồng quốc tế", ông Singh nói thêm.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-an-nhat-bat-tay-trung-quoc-co-du-ly-do-de-lo-lang-post237519.info