Mỹ "bật đèn xanh", Việt Nam có thể mua F-16 Mỹ thay thế MiG -21?

VietTimes -- Việc tổng thống Barack Obama tuyên bố rỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đã mở ra khả năng cho phép Việt Nam có nhiều lựa chọn máy bay tiêm kích không đối không, có những ưu thế khác biệt trong nhiệm vụ bảo vệ không phận, hải phận của Tổ Quốc. Trong đó có thể là F-16.

Trước thềm chuyến viếng thăm của tổng thống Obama đến Hà Nội, Việt Nam đã tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ và châu Âu nhằm mua sắm thêm trang bị mới, bao gồm máy bay chiến đấu mới, máy bay tuần tra biển và máy bay không người lái. Động thái này là một phần trong chiến lược của Hà Nội nhằm gia tăng các mối quan hệ quốc phòng với phương Tây trong bối cảnh biển Đông ngày càng nóng từ phía Trung Quốc.

Theo Siva Govindasamy Reuters, Việt Nam đang tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất các máy bay Saab JAS-39E / F Gripen NG, Eurofighter Typhoon, Lockheed Martin F-16 Fighting Falcon và Boeing F / A-18E / F Super Hornet. Hà Nội cũng nghiên cứu loại máy bay tiêm kích F/A-50 Hàn Quốc, hợp tác phát triển cùng Lockheed.

Nếu Hà Nội có thể đạt được thỏa thuận hợp lý, Việt Nam có thể mua tới hàng trăm chiến đấu cơ thay thế phi đoàn 144 chiếc Mikoyan MiG-21 Fishbeds đã về hưu và 38 chiếc Sukhoi Su-22 Fitter. Nhóm máy bay tiêm kích mới sẽ tăng cường số lượng tiêm kích hạng nặng chiếm ưu thế trên không do Nga chế tạo. Hiện Việt Nam có khoảng 12 chiếc Sukhoi Su-27 Flanker và 36 chiếc Su-30MK2.

Theo Reuters, Việt Nam cần nhiều phương tiện bay khác, trong đó có máy bay tuần biển, giám sát hàng hải và cảnh báo sớm. Việt Nam cũng đã thảo luận với Thụy Điển, Israel về khả năng mua các máy bay bay AEW&C Saab 340/2000, hoặc C-295 AEW&C của liên doanh Airbus – IAI.

Một vấn đề khá quan trọng đối với không quân Việt Nam, đó là một số lượng khá lớn các máy bay tiêm kích hạng nhẹ không đối không. Theo khái toán, Việt Nam phải cần ít nhất khoảng từ 36 đến 48 chiếc tiêm kích, đáp ứng yêu cầu tác chiến của các trung đoàn không quân tiêm kích hiện nay.

F-16, máy bay tiêm kích thành công của công nghiệp quốc phòng Mỹ

Nếu từ góc độ nhu cầu tác chiến, Việt Nam có thể sẽ quan tâm nhiều hơn đến dòng máy bay được coi là rất thành công của liên doanh General Dynamics và Lockheed Martin F-16 Fighting Falcon.

Năm 1973, nhà chế tạo F-111 và YF-22 đã hiện thực hóa được ước mơ của nhưng nhà thiết kế hàng không, chế tạo được một nguyên mẫu tiêm kích rất nhẹ nhưng có tỷ lệ lực đẩy tối đa so với trọng lượng.

Năm 1974 hoàn thiện mẫu thử nghiệm YF-16, nền tảng cho sản xuất hàng loạt máy bay F-16A vào năm 1976 , phiên bản hoàn thiện và hiện đại hóa F-16C vào năm 1984. Đến năm 1994 đã có hơn 4000 chiếc tiêm kích hạng nhẹ có khả năng cơ động cao và những tính năng kỹ chiến thuật tuyệt với.

Những tính năng kỹ thuật bay có hiệu suất cao của F-16 có được, trước hết là nhờ có tỷ lệ lực đẩy so với trọng lượng rất cao. Động cơ cực mạnh Pratt & Whitney F100-PW-200 turbofan cho lực đẩy 64.9 kN, lực đẩy có tăng áp đạt 105,7 kN, General Electric F110-GE-129 (cho F-16C / D Block 30-40-50) turbofan có tăng áp, lực đẩy: 76,3 kN; lực đẩy có tăng áp: 128,9 kN,

Tỷ lệ lực đẩy/ trọng lượng với động cơ F100 là 0.898; F110 là 1.095, trong tình huống tải trọng trung binh và nhiên liệu còn 50% cho tỷ lệ lực đẩy/ trọng lượng là 1,24. Máy bay dễ dàng đạt tốc độ đến 2M.

Để so sánh, máy bay F-14 Tomcat tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng là 0,58; F-15 Eagle - 0.71, MiG-31 - 0.75, MiG-29-1.

F-16 được trang bị hệ thống điện tử rất nhỏ gọn, thiết bị kính ngắm hoàn hảo, một tập hợp đa dạng các thùng nhiên liệu treo bên ngoài cho phép đạt được tầm bay đến 3.700 km.

Ngoài ra, máy bay F-16 có một tập hợp vũ khí rất mạnh: dưới thân và cánh có thể treo được đến 50 loại bom và tên lửa khác nhau. Trọng lượng cất cánh tối đa của F-16 khi đầy tải lên đến 15 000 kg, tương tự như MiG-29 hai động cơ nhưng cùng một tốc độ tối đa.

Một trong những chuyên gia của hãng MiG cho biết: “Nếu như chúng tôi có được một động cơ có độ tin cậy cao và hoạt động ổn định " Pratt & Whitney", chúng tôi sẽ không ngần ngại mà thiết kế một máy bay chiến đấu có một động cơ. "

Cho đến nay, F-16 Falcon đang là máy bay tiêm kích chiến thuật chủ yếu của Không quân Mỹ và 17 quốc gia trên thế giới. Tổng số 3793 máy bay đã được sản xuất đến năm 1993. 2203 trong số đó được biên chế vào lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ, 1564 chiếc xuất khẩu sang các nước khác. Số lượng lớn nhất - 240 chiếc cho Thổ Nhĩ Kỳ, 210 chiếc cho Israel, 174 cho Ai Cập. Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tự sản xuất F-16 trong các nhà máy nội địa và nhập khẩu một phần chi tiết, bộ phận từ Mỹ. Tổng cộng có khoảng hơn 4540 chiếc.

Công ty General Dynamics phát triển bốn phiên bản chính của máy bay. Nguyên mẫu ban đầu F-16A một phi công và phiên bản F-16B hai phi công. Từ năm 1984 công ty bắt đầu sản xuất các máy bay được nâng cấp hiện đại hóa – phiên bản F-16C một phi công và F-16D hai phi công. Tất cả các phiên bản máy bay có những yếu tố thiết kế cơ bản giống hệt nhau. Trong các cuộc thử nghiệm, cánh máy bay đã được tối ưu hóa bằng tăng độ dài từ 3 lên 3,8 đơn vị.

Máy bay F-16E (một phi công) và F-16F (hai phi công) là phiên bản mới nhất biến thể của F-16. Máy bay phiên bản Block 60 phát triển từ F-16C / D Block 50/52 và cung cấp đặc biệt cho Liên minh các tiểu vương quốc Ả rập (UAE). Được trang bị radar mảng quét điện tử (AESA) AN / APG-80 , hệ thống điện tử, thùng nhiên liệu bảo giác (CFTs), động cơ mạnh hơn General Electric F110-GE-132.

F-16 là máy bay là máy bay tiêm kích đa nhiệm một động cơ. Máy bay được trang bị một súng tự động hàng không M61 Vulcan ở sát gốc cánh trái, luôn mang theo hai tên lửa AIM-9 Sidewinder, mỗi tên lửa ở một đầu cánh trên ray riêng. Các phiên bản gần đây có thể được thay thế bằng loại AIM-120 AMRAAM. Máy bay có thể mang được rất nhiều chủng loại tên lửa không đối không hoặc không đối mặt, rocket, bom, được gắn trên các mấu treo dưới thân và cánh.

Đặc trưng kỹ thuật của F-16

Các nhà thiết kế có ý định biến F-16 thành "ngựa thồ" đa năng hiệu suất cao, thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ và luôn sẵn sàng xuất kích. Máy bay đơn giản và nhẹ hơn nhưng có hình dạng khí động học hoàn hảo và hệ thống điện tử hiện đại. Lần đầu tiên trên máy bay áp dụng hệ thống điều khiển fly-by-wire, nhằm có được khả năng cơ động linh hoạt.

Vị trí ngồi của phi công được bố trí cao trên thân máy bay với vòm đỡ kính buồng lái đặt phía sau cho góc quan sát rất rộng. Đặc điểm này và kiểu buồng lái kính tạo cho phi công tầm nhìn không hạn chế, một yếu tố sống còn trong không chiến. Ngoài ra, hệ thống hiển thị trên mũ bay (HUD) cung cấp các thông tin quan trọng ngay trong tầm nhìn của phi công.

Hệ thống radar kính ngắm

Những F-16A / B ban đầu được trang bị radar kiểm soát hỏa lực Westinghouse AN / APG-66 có anten mảng pha phẳng được thiết kế nhỏ gọn phù hợp với mũi tương đối nhỏ của F-16.

Trong chế độ quan sát hướng lên, APG-66 sử dụng tần số xung lặp (PRF) thấp phát hiện mục tiêu trên độ cao trung bình và trong môi trường nhiễu xạ thấp, trong hướng quan sát xuống và khai hỏa sử dụng tần số xung lặp (PRF) trung bình trong môi trường bị nhiễu xạ nặng.

Radar sử dụng bốn tần số trong băng tần X, cung cấp 4 chế độ tác chiến không-đối-không, 7 chế độ tác chiến không-đối-đất, cho phép đánh đêm hoặc trong thời tiết xấu. Máy bay Block 15 trang bị radar APG-66 (V) 2 xử lý tín hiệu mạnh hơn, cho công suất đầu ra cao hơn, tăng cường độ tin cậy và gia tăng phạm vi quan sát trong môi trường nhiễu tự nhiên hoặc bị gây nhiễu mạnh.

AN / APG-68, là phiên bản radar APG-66 phát triển sâu, được lắp đặt cho các máy bay F-16C / D Block 25. APG-68 có phạm vi quan sát lớn hơn, độ phân giải cao hơn, 25 chế độ hoạt động bao gồm cả lập bản đồ địa hình, chùm tia hiệu ứng Doppler , xác định và theo dõi các mục tiêu mặt đất di chuyển, các mục tiêu trên biển, theo dõi và đeo bám trong khi quét (TWS) đến 10 mục tiêu.

Máy bay Block 40/42 APG-68 (V)1 có khả năng tương thích hoàn toàn với bộ khí tài dẫn đường cao thấp của hãng Lockheed Martin, kính ngắm hồng ngoại bắn đêm (LANTIRN), xung lặp PRF cao hiệu ứng Doppler trong chế độ radar phát sóng liên tục (CW) chiếu sáng mục tiêu cho tên lửa mang đầu tự dẫn radar bán chủ động (SARH) như AIM-7 Sparrow.

F-16 Block 50/52 sử dụng radars APG-68 (V) 5 phiên bản phát triển sâu, bộ vi xử lý tín hiệu tốc độ cao, cho tầm quan sát phát hiện mục tiêu tăng lên đến 30%.

Tháng 8.2004, Northrop Grumman ký hợp đồng nâng cấp radar APG-68 của máy bay Block 40/42/50/52 (V) chuẩn 10, cho phép sử dụng vũ khí có độ chính xác cao.

F-16E / F được trang bị radar mảng quét điện tử (AESA) AN/APG-80 của hàng Northrop Grumman. Northrop Grumman phát triển nâng cấp radar AESA mới nhất cho F-16 tháng 7.2007, Raytheon cho biết đã phát triển radar thế hệ mới (RANGR) từ radar AN / APG-79 AESA, cạnh tranh với AN / APG-68 và AN / APG-80 của Northrop Grumman cho F-16.

Tính năng kỹ thuật chung của máy bay F-16:

Phi đoàn: 1 người; Dài: 15,06 m; Sải cánh: 9,96 m; Chiều cao: 4,88 m

Trọng lượng rỗng: 8.570 kg; Trọng lượng có tải: 12.000 kg; Max. trọng lượng cất cánh: 19.200 kg

Dự trữ nhiên liệu bên trong: 3.200 kg

Tốc độ tối đa: trên mực nước biển: Mach 1.2 - 1.470 km/h

Bay trên độ cao hành trình: Mach 2, 2.120 km/h

Bán kính hoạt động là 295 hải lý (550 km) với bốn quả bom (450 kg)

Tầm bay: 4.220 km với thùng dầu phụ; trần bay: 15,240m

Tốc độ kéo cao là 254 m/s, vượt tải tối đa: 9,0 g

Chín vấu treo trong đó có 3 vấu trên thân và 6 vấu trên cánh cho phép máy bay có thể mang đến 7,700 kg vũ khí. Trong đó có tới 6 tên lửa không đối không các loại, 4 - 6 tên lửa không đối đất và 2 - 4 tên lửa chống hạm các loại.

Từ những đặc điểm kỹ chiến thuật của F-16, cho thấy máy bay có ưu thế hơn hẳn so với các máy bay tiêm kích hạng nhẹ phương Tây khác, đặc biệt ở khả năng thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, đã từng tham gia các cuộc chiến tranh xung đột và chứng minh được tính hiệu quả cũng như độ tin cậy khi thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như không đối không, không đối bề mặt.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến chiến thuật Không đối Không, thực hiện các nhiệm vụ Không đối Bề mặt hiện nay, có thể, F-16 là ứng cử viên sáng giá thay thế cho MiG – 21 anh hùng.

Cuộc không chiến diễn tập giữa F-16 và MiG - 29 của không quân Ba Lan

Viettimes.vn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/quoc-phong/vu-khi-cong-nghe/f16-falcon-ung-vien-sang-gia-thay-the-mig-21-tai-sao-khong-video-57674.html