Mỹ 'bồi' lệnh trừng phạt, Nga vẫn trụ vững?

Kinh tế Nga đang trải qua thời kỳ khó khăn khi đồng rúp mất gần một nửa giá trị của nó, một phần do lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Liệu điện Kremlin có thể đưa nước Nga ra khỏi thời kỳ này?

Năm qua là một năm đầy thử thách của nước Nga khi giá dầu mỏ, từng mang lại nguồn thu hơn 50% ngân sách cho Nga, bỗng tuột dốc xuống mức thấp kỷ lục, trong khi đồng rúp rơi vào tình trạng “chạm đáy” và Moscow phải chống chọi với nhiều đợt lệnh trừng phạt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chưa hết, những ngày cuối năm, Nga phải gánh chịu thêm những mất mát khi đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrei Karlov, bị ám sát tại thành phố Ankara cùng vụ rơi máy bay tại Biển Đen vào đúng ngày Giáng sinh khiến 92 người thiệt mạng.

Dường như Nga đang rơi vào thế bí khi hàng loạt các yếu tố khách quan tiêu cực tác động tới sự phát triển của nền kinh tế trong nước. Nhưng nước Nga đang dần chứng tỏ được khả năng thích nghi với những điều kiện mới.

Điện Kremlin tích cực thay đổi, thúc đẩy sự phát triển từ chính nội lực nền kinh tế. Bị hạn chế ở thị trường châu Âu, Nga quyết định tăng cường hoạt động hợp tác thương mại với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thực hiện tái cơ cấu, đa dạng hóa nền kinh tế.

Theo nhận định của tạp chí danh tiếng Forbes, năm 2016 đã chứng tỏ được sức sống của nền kinh tế Nga và trong năm tới, Moscow sẽ tiếp tục chứng kiến những sự khởi sắc đầy bất ngờ.

Đầu tuần trước, Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã điều chỉnh mục tiêu sản lượng sản xuất công nghiệp lên 1%, cao hơn nhiều so với mức 0,4% trước đó. Trong tháng 11, số liệu từ doanh nghiệp nhà nước Rosstat cho thấy sản lượng công nghiệp trong 11 tháng của năm 2016 đã tăng 0,8% so với năm 2015 và tăng 2,7% so với cùng thời điểm của một năm trước đó.

Trên truyền thông, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết nền kinh tế Nga năm tới sẽ gây bất ngờ với tốc độ tăng trưởng lên tới 1,5%.

“Mức tăng trưởng này sẽ có tác động trực tiếp tới tiền lương và thu nhập của người dân, vốn đã được thể hiện thông qua mô hình tăng trưởng ổn định hiện tại nhờ giảm lạm phát”, ông Siluanov nói.

Về lĩnh vực thế mạnh của Nga, dầu mỏ và khí đốt, các chuyên gia phân tích của tập đoàn tài chính Morgan Stanley có trụ sở tại Mỹ cho hay, các tập đoàn lớn như Rosneft và Gazprom sẽ tiếp tục vững tiến trong năm tới. Giá dầu đang tăng cùng với khả năng thi hành chính sách ngoại giao thân thiện hơn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khiến Morgan Stanley mạnh tay “đổ tiền” vào hai tập đoàn này.

Theo Forbes, các nhà đầu tư Nga cũng hi vọng năm tới những lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ và khí đốt sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Khi đó, cổ phiếu của Rosneft và Gazprom cũng sẽ tăng cao.

Thêm vào đó, những nỗ lực trong năm qua của Chính phủ Nga đã được ghi nhận thông qua kết quả tăng trưởng trong một loạt các lĩnh vực khác như quốc phòng, ngân hàng hay công nghệ thông tin. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Nga đã có sự khởi sắc đầy ngoạn mục khi vươn lên vị trí số một thế giới về xuất khẩu lúa mì.

Kinh tế Nga vẫn tăng trưởng ổn định.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, chỉ cần thêm chính sách phù hợp, Nga có thể trở thành cường quốc về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, các nhà quan sát nhận định.

Cuối tháng 9/2016, người đứng đầu ngành nông nghiệp Nga, ông Alexander Tkachev khẳng định, dường như lệnh trừng phạt của phương Tây với Moscow đang mang lại tác dụng ngược khi nó thúc đẩy tăng trưởng sản lượng sản xuất nông nghiệp trong nước. Thậm chí, nó còn tác động một cách tích cực đối với thói quen tiêu dùng của người Nga, họ ưu tiên dùng hàng nội địa hơn các mặt hàng ngoại nhập.

Theo thống kê, trong năm 2013, thời điểm trước khi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Moscow, Nga nhập khẩu 36% thực phẩm từ nước ngoài. Tới năm 2015, con số này giảm còn 28% và theo số liệu sơ bộ năm 2016, lượng thực phẩm mà Nga nhập khẩu chỉ còn 24% trong quý đầu tiên và 22% trong quý thứ hai.

Nhìn chung, nền kinh tế nước Nga vẫn “sống sót” và tăng trưởng đều đặn dù phải chịu nhiều lệnh trừng phạt hà khắc từ Mỹ và các nước phương Tây, thậm chí, lĩnh vực nông nghiệp còn chứng kiến sự thay đổi theo hướng mà Washington và các nước EU không hề mong muốn.

Xét trong bối cảnh chung, có thể nói thời kỳ u ám của Nga do những tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt phương Tây đã qua. Nga đã xây dựng được nền tảng cơ bản có khả năng “chống chọi” với những tác động từ bên ngoài và vượt qua những cơn “sóng dữ”, tiếp tục vững bước trên trường quốc tế trong những năm tới.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/my-boi-lenh-trung-phat-nga-van-tru-vung-a311282.html