Mỹ: 'Cam kết theo hiệp ước với Philippines vững chắc như sắt thép'

Cam kết theo hiệp ước của chúng ta đối với Philippines vững chắc như sắt thép, quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định.

Tòa Trọng tài của Liên Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết về đơn khiếu nại của Philippines yêu cầu làm rõ cơ sở pháp lý của các tuyên bố của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông vào ngày 12/7 tới.

Theo VOA, trong một buổi điều trần tại Hạ viện hôm 7/7, các quan chức Mỹ bày tỏ quan điểm cho rằng, phán quyết của tòa có thể xác định rằng khu vực đó sẽ điều hành theo pháp quyền hay bởi “những tính toán thô về sức mạnh”.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter (áo xanh) lên tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các quan chức ra điều trần từ chối cho biết liệu nếu Trung Quốc có động thái quân sự hóa thêm các thực thể ở Biển Đông có dẫn đến việc Mỹ đáp trả bằng quân sự hay không.

Nghị sĩ Randy Forbes, thuộc đảng Cộng hòa, bang Virginia, Chủ tịch một tiểu ban của Hạ viện về sức mạnh biển, nói thế giới đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có cư xử như một bên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế hay không, và nếu không, thế giới muốn nhìn thấy Mỹ sẽ đáp trả như thế nào.

Ông Forbes phát biểu: “Chúng ta làm gì, hay không làm gì, để ủng hộ các đồng minh và hệ thống quốc tế dựa vào luật lệ trong những tuần sắp tới sẽ gây chú ý trên toàn khu vực và những nơi khác trên toàn cầu”.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm lãnh thổ của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia.

Mỹ, mặc dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khẳng định có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và thương mại tại nơi hơn một nửa hàng hóa vận chuyển bằng đường biển đi qua.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett nói tại buổi điều trần rằng phán quyết về vụ khiếu nại sẽ không giải quyết các vấn đề về chủ quyền, nhưng có tiềm năng thu hẹp những vùng đủ tiêu chuẩn pháp lý để được coi là có tranh chấp.

Ngoài ra, bà Willett khẳng định Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia và giữ vững những cam kết với các đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Các quan chức tham gia điều trần chỉ ra rằng hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì sau khi tòa ra phán quyết. Lâu nay, Trung Quốc đã thẳng thừng tuyên bố rằng họ sẽ không tuẩn thủ phán quyết của Tòa Trọng tài.

Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc quyết định chiếm bãi cạn Scarborough gần Philippines, đồng minh của Mỹ, ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Đông Á, nói sự phản ứng sẽ tùy thuộc vào Bắc Kinh bố trí gì tại nơi có tranh chấp.

Ông nói Mỹ đang làm việc với các đồng minh, trong đó có Philippines và các đối tác trong khu vực, để xây dựng năng lực hàng hải, phát triển quy trình hoạt động chung để làm việc hiệu quả hơn cùng nhau cũng như giúp họ tạo sự hiện diện hàng hải như là một biện pháp răn đe.

Trong khi đó, bà Willett của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Bãi Scarborough là một thực thể có tranh chấp mà Mỹ không công nhận chủ quyền của bất cứ nước nào ở đó. Cam kết theo hiệp ước của chúng ta đối với Philippines vững chắc như sắt thép”.

Bà nói thêm việc chiếm đóng một thực thể chưa có người ở hay việc quân sự hóa một thực thể bị chiếm đóng sẽ rất nguy hiểm và gây mất ổn định.

Mỹ đang nỗ lực để bảo đảm rằng tất cả các bên đều hành xử kiềm chế sau khi phán quyết được đưa ra, bà nói thêm.

H.H

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/my-cam-ket-theo-hiep-uoc-voi-philippines-vung-chac-nhu-sat-thep-a249326.html