Mỹ cảnh báo Trung Quốc về kinh tế thị trường: Đòn đau

“Trung Quốc chỉ có thể kiện được Mỹ khi họ thực sự xây dựng nền kinh tế thị trường và phải minh chứng được điều này. Tuy nhiên việc này rất khó”.

Ông Trump hoàn toàn đúng

Mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa ra chỉ trích về các chính sách kinh tế của Trung Quốc (TQ).

Ông Trump cho biết, TQ không phải là một nền kinh tế thị trường. Bắc Kinh không tuân thủ các quy tắc của cuộc chơi và đã đến lúc họ phải bắt đầu tuân thủ quy tắc này.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cũng tuyên bố vẫn còn quá sớm để trao quy chế kinh tế thị trường cho TQ.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh Tế - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng nhận định trên của tỷ phú người Mỹ hoàn toàn có cơ sở.

Theo vị chuyên gia, kinh tế TQ là một nền kinh tế đang chuyển đổi, tương tự như nền kinh tế Việt Nam, từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung XHCN sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên đến nay Bắc Kinh vẫn chưa hoàn toàn là nền kinh tế thị trường.

“Trong khi đó nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế thị trường hoàn hảo, nên sự hợp tác giữa 2 nền kinh tế này chắc chắn sẽ gặp những khó khăn. Ông Trump đặt vấn đề này ra là đúng thôi”, PGS.TS Ngãi khẳng định.

Ông Trump khẳng định TQ chưa có nền KT thị trường

Trong khi đó, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương cho rằng để hiểu được những tuyên bố của ông Trump cần hiểu rõ khái niệm kinh tế thị trường và mức độ TQ đáp ứng được.

Theo PGS.TS Đoàn, kinh tế thị trường là nền kinh tế tiến bộ, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của các yếu tố trong đó. Đặc biệt, nhắc đến nền kinh tế này phải trả lời được đầy đủ 3 câu hỏi: sản xuất cái gì, sản xuất bằng phương thức nào và sản xuất cho ai?

“TQ chưa hề tuân thủ quy chế thị trường kể từ khi gia nhập WTO đến nay. Họ chưa phải là nền kinh tế thị trường. Không phải cứ gia nhập lâu thì có quyền tuyên bố đó là kinh tế thị trường.

Giá cả phải được quyết định bởi cung – cầu, năng suất hoặc hiệu quả của quá trình đầu tư. Tuy nhiên thời gian qua TQ đều làm khác.

TQ đang phá vỡ trật tự của kinh tế thị trường. Họ bán phá giá, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh với các nước. Giá rẻ ở đây là có chính sách của Chính phủ TQ ở bên trong chứ không phải là cạnh tranh bình thường. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự cũng như tình hình kinh tế thế giới thời gian qua”, PGS.TS Đoàn khẳng định.

Trật tự kinh tế thị trường mới, Trung Quốc gặp khó

Tiếp tục phân tích, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng, vị tỷ phú người Mỹ đang thể hiện một quyết tâm lớn trong việc thiết lập lên một trật tự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nền kinh tế thị trường.

“TQ đang dùng bạo lực, sức mạnh kinh tế để bắt thế giới phải phụ thuộc vào nước này. Những việc TQ tao túng thời gian qua không thể chấp nhận được. Nước Mỹ chính là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất từ việc này. Hoa Kỳ đang bị hủy diệt vì các nước phi thị trường làm loạn. Ông Trump đã rất hiểu về kinh tế thị trường và áp dụng triệt để các quy tắc này”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Trong trường hợp, Mỹ quyết tâm làm tới cùng và áp dụng các biện pháp trên với Trung Quốc, vị chuyên gia khẳng định, bản thân Hoa Kỳ sẽ được nhiều hơn là mất.

“Ông Trump không chỉ đòi hỏi cho nước Mỹ và đòi hỏi trật tự cho tất cả các nước phát triển. Đã đến lúc giá cả hàng hóa cao hay thấp phải do thị trường, do cung – cầu quyết định. Một người làm với năng suất cao thì phải được hưởng lợi. Khi đó họ có thể hạ giá sản phẩm xuống. Còn doanh nghiệp nào hiệu quả thấp thì sẽ bị triệt tiêu.

Còn với những ai cho rằng người tiêu dùng nước Mỹ phải mua giá cao tôi nghĩ không nên quá lo ngại. Khi buộc Trung Quốc chấp hành các quy định về kinh tế thị trường thì hàng hóa các nước sẽ thuận lợi hơn, xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhiều hơn. Khi đó giá cao hay thấp sẽ do thị trường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định”, PGS.TS Đoàn nói.

Về phía phản ứng của TQ, vị chuyên gia nhận định, Bắc Kinh có thể dùng các biện pháp mang tính chất cổ hủ, lạc hậu để đối phó với thế giới, chẳng hạn như áp giá thuế cao hơn hay kiện ra WTO.

“Họ dùng sự méo mó của thị trường, biện pháp có tính chất bạo lực, độc quyền để ngăn chặn việc này. Tuy nhiên biện pháp không mang tác dụng nhiều. Về lâu dài Trung Quốc sẽ tự hại mình nếu không xem xét lại và thay đổi các yếu tố luôn vận động của nền kinh tế thị trường”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, khả năng Mỹ sẽ hạn chế giao dịch thương mại với TQ đồng thời chuyển hướng thương mại sang những đối tác khác. Ngược lại, ,giao dịch thương mại của Bắc Kinh với Hoa Kỳ khả năng sẽ bị giảm, buộc nước này cũng phải chuyển hướng, nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về tuyên bố của TQ sẽ làm tất cả các biện pháp để quyền lợi chính đáng của nước này phải được Mỹ và các thành viên WTO tôn trọng, ông Ngãi cho rằng Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu này.

“Tôi cho rằng TQ khó mà đạt được mục tiêu này, chỉ có thể làm được nếu họ thực sự xây dựng nền kinh tế thị trường và phải minh chứng được điều này. Điều cơ bản của kinh tế thị trường là nhà nước chỉ tham gia quyết những thất bại của thị trường, không được can thiệp quá nhiều. Không phải là nền kinh tế thị thường thì không thể nhận được quy chế kinh tế thị trường là điều tất yếu. Còn hậu quả của việc không được công nhận kinh tế thị trường, TQ chỉ tìm giải pháp để hạn chế hậu quả thôi, nếu không tìm được giải pháp thì sẽ thất bại”, PGS.TS Ngãi khẳng định.

Hoàng Long

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/my-canh-bao-trung-quoc-ve-kinh-te-thi-truong-don-dau-3324897/