Mỹ cho biết được Iran nhờ tìm xác trực thăng nhưng không thể giúp

Mỹ cho biết Iran đã liên hệ yêu cầu nước này giúp tìm kiếm xác trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, Washington nói không thể chấp nhận yêu cầu giúp đỡ từ Tehran, viện dẫn lý do vướng mắc về hậu cần.

Người dân Iran thắp nến tưởng niệm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức qua đời trong vụ tai nạn trực thăng. Ảnh: The Indian Express

Người dân Iran thắp nến tưởng niệm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức qua đời trong vụ tai nạn trực thăng. Ảnh: The Indian Express

Theo AFP, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/5 cho biết, Iran - quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Mỹ kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, đã liên lạc với Washington sau khi xảy ra vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Iran và các quan chức cấp cao.

“Chính phủ Iran đã yêu cầu chúng tôi hỗ trợ. Chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ, đây là điều mà chúng tôi sẽ làm đối với bất kỳ chính phủ nào trong tình huống này. Cuối cùng thì, phần lớn là vì lý do hậu cần, chúng tôi không thể cung cấp sự hỗ trợ đó,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 20/5.

Quan chức này từ chối thông tin chi tiết về cách thức hai nước liên lạc với nhau. Tuy nhiên, ông cho biết Tehran đã tìm kiếm sự hỗ trợ ngay lập tức để tìm kiếm xác chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và 7 người khác gặp nạn.

Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra “lời chia buồn chính thức” tới Iran. “Khi Iran chọn một tổng thống mới, chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi đối với người dân Iran và cuộc đấu tranh của họ vì nhân quyền và các quyền tự do cơ bản,” tuyên bố nêu rõ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden mô tả lời chia buồn này là nghi thức và không thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Raisi. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cáo buộc ông Raisi “đôi tay vấy máu”, nhưng nói thêm rằng “như trong bất kỳ trường hợp nào khác, nhìn chung chúng tôi rất lấy làm tiếc về mất mát nhân mạng và gửi lời chia buồn chính thức theo cách phù hợp”.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi kiểm tra đập ở Qiz Qalasi chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: The Sun

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi kiểm tra đập ở Qiz Qalasi chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: The Sun

Khi được hỏi liệu Washington có lo ngại rằng Tehran có thể đổ lỗi về vụ tai nạn trực thăng hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: “Mỹ không liên quan gì đến vụ tai nạn đó. Tôi không thể suy đoán điều gì có thể là nguyên nhân”.

Ông cũng hạ thấp bất kỳ mối lo ngại nào của Mỹ rằng vụ tai nạn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh ở Trung Đông. “Tôi không thấy có bất kỳ tác động an ninh khu vực, rộng lớn nào vào thời điểm này,” ông Austin cho hay.

Ngày 19/5, chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã bị rơi ở tỉnh Đông Azerbaijan, miền tây bắc nước này. Trên chiếc trực thăng này còn có Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan của Iran cùng 6 quan chức và vệ sĩ khác.

Vụ tai nạn xảy ra khi Tổng thống Raisi đang trên đường trở về sau chuyến đi tới biên giới Iran và Azerbaijan vào cùng ngày để khánh thành một con đập với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Hãng thông tấn nhà nước Iran IRIB ngày 20/5 đưa tin, không phát hiện dấu hiệu sự sống tại hiện trường vụ rơi trực thăng.

Cho đến nay, Iran vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời chính thức nào về nguyên nhân vụ tai nạn trực thăng. Quân đội Iran đã ra lệnh điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Nhận định về hoạt động của Bell 212 tại Iran, CNN dẫn lời nhà phân tích quân sự Cedric Leighton - một đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho biết loại trực thăng này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1976 dưới dạng thương mại tại Iran.

Do những lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ từ năm 1979, ông Cedric Leighton nhận định việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cho chiếc máy bay trực thăng này “chắc chắn sẽ là một vấn đề đối với Iran”.

Theo nhận định của ông, sự khó khăn trong tìm kiếm phụ tùng cùng với yếu tố thời tiết xấu ở phía tây bắc Iran “đã góp phần gây ra một loạt sự cố và một loạt quyết định mà phi công và thậm chí có thể cả chính tổng thống đã đưa ra khi điều khiển chiếc máy bay này… Và thật không may cho họ, kết quả là vụ tai nạn”.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/my-cho-biet-duoc-iran-nho-tim-xac-truc-thang-nhung-khong-the-giup-post34811.html