Mỹ có còn là đầu tàu của kinh tế thế giới?

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thế giới đang ngày càng dựa ít hơn vào Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong việc duy trì phục hồi tăng trưởng toàn cầu.

CNN dẫn báo cáo hàng quý Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) được IMF công bố ngày 24/7 cho biết, ng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 3,6% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo đưa ra trong báo cáo hồi tháng 4. Năm 2016, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2%.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thế giới đang ngày càng dựa ít hơn vào Mỹ. Ảnh minh họa

Theo IMF, động lực phục hồi kinh tế thế giới đang thay đổi. Toàn cầu phụ thuộc vào Mỹ, Anh ít hơn so với dự báo. Trong khi đó lại phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và Canada.

Tuần trước, đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua do giới đầu tư không còn tin vào khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện chương trình nghị sự kinh tế của mình sau khi nỗ lực cải tổ chăm sóc y tế của phe Cộng hòa tại thượng viện thất bại.

IMF ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2017 và 2018 đều ở mức 2,1%, giảm so với dự báo trong báo cáo tháng 4 (lần lượt là 2,3% và 2,5%). Trong khi đó, Giám đốc ngân sách của Tổng thống Donald Trump, ông Mick Mulvaney, vừa viết trên tờ The Wall Street Journal rằng mục tiêu của chính quyền là duy trì mức tăng trưởng kinh tế 3%. Năm ngoái, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6%. Hồi tháng 6, IMF rút lại đánh giá rằng kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho hạ tầng của tổng thống Mỹ sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

“Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4, chủ yếu phản ánh đánh giá cho rằng chính sách tài khóa của Mỹ trong thời gian tới sẽ không nới lỏng nhiều như đánh giá ban đầu”, báo cáo mới nhất của IMF có đoạn viết.
Triển vọng kinh tế Anh cũng không lạc quan giữa lúc quốc gia này đang vật lộn với tiến trình đàm phán về việc rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit). Theo IMF, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, giảm so với mức 2% trong lần dự báo trước đó.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo là vẫn tăng trưởng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngược lại, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 6,7% trong năm nay và 6,4% năm sau. Cả hai mức dự báo đều bằng và tăng so với đợt dự báo trước đó. IMF cho rằng kinh tế Đại lục sẽ tăng trưởng trung bình 6,4% mỗi năm giai đoạn 2018 - 2020.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và giới phân tích vẫn nhìn vào những con số này với ánh mắt đầy ái ngại, bởi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục dựa vào những khu vực có rắc rối như bất động sản trong khi các vấn đề nhức nhối như doanh nghiệp "xác sống" (gần phá sản nhưng vẫn được cứu vớt) hoặc cắt giảm nợ chưa được giải quyết.

Báo cáo của IMF nói rằng mức định giá cao của các tài sản trên các thị trường tài chính, môi trường chính sách bấp bênh, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc và các chính sách bảo hộ đang là những rủi ro chính đối với kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng của Nhật Bản, eurozone và Canada cũng tích cực. Canada là nước dẫn đầu nhóm G7 về mặt tăng trưởng trong năm nay khi đi lên 2,5%. Dù vậy, tăng trưởng năm 2018 của nước này bị hạ xuống còn 1,9%.

Nhóm 5 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam nhận được đánh giá lạc quan, nhờ thương mại toàn cầu tăng và nhu cầu nội địa được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế nhóm nước này được dự báo tăng 5,1% và 5,2% trong 2 năm 2017, 2018.

Phương Anh

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/my-co-con-la-dau-tau-cua-kinh-te-the-gioi-p52063.html