Mỹ có thể tiếp tục áp thuế CBPG tôm Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ mới đây ra kết luận sơ bộ đợt rà soát hoàng hôn lần thứ hai, kết luận rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá có thể sẽ khiến Việt Nam tái diễn bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh vào Mỹ.

Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa: TL TBKTSG

Như vậy, nếu DOC có kết luận cuối cùng tương tự như kết luận sơ bộ này, dự kiến ban hành vào đầu năm 2017, thì sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh vào Mỹ sẽ chưa thể thoát được thuế chống bán phá giá (CBPG) đã được Mỹ áp dụng trong 10 năm qua.

Cụ thể, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hôm 27-9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 9-9 ban hành kết quả sơ bộ đợt rà soát hoàng hôn lần thứ hai (sunset review) đối với sản phẩm tôm Việt Nam để xác định liệu việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá có dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá hay không. Các đợt rà soát hoàng hôn này được tiến hành 5 năm/lần.

Theo kết luận sơ bộ, DOC cho rằng nếu dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG tôm của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá và việc tiếp tục hoặc tái diễn bán phá giá có thể lên tới 25,67%.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong đợt rà soát hành chính này, DOC dựa trên biên độ phá giá trong các đợt rà soát hành chính là POR6 – POR10, cũng như lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ trước và sau khi Lệnh áp thuế CBPG được ban hành.

Trong đợt rà soát này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đưa ra bản đệ trình, lập luận rằng nếu DOC không áp dụng phương pháp quy về 0 (zeroing) trước và trong khi áp dụng phương pháp định giá phân biệt thì họ sẽ nhận được biên độ phá giá không đáng kể (de minimis) trong tất cả các đợt rà soát kể từ sau cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ nhất.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng dẫn chiếu kết luận mới đây của Cơ quan Phúc thẩm trong vụ việc DS464 của Hàn Quốc. Theo đó, phương pháp zeroing được kết luận là không phù hợp với quy định của Hiệp định Chống bán phá giá ngay cả khi áp dụng phương pháp định giá phân biệt.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng nếu lệnh áp thuế được dỡ bỏ, biên độ phá giá của doanh nghiệp Việt Nam (nếu không sử dụng zeroing) cũng sẽ ở mức không đáng kể. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam lập luận rằng họ vẫn có thể xuất khẩu với lượng tương đương với mức trước khi lệnh áp thuế được ban hành (2005) mà không bán phá giá.

Tuy nhiên, DOC đã bác bỏ các lập luận trên và cho rằng Tòa Phúc thẩm liên bang Mỹ (CAFC) đã quy định báo cáo của Ban hội thẩm/Cơ quan phúc thẩm WTO không có hiệu lực đối với pháp luật Mỹ trừ khi và cho đến khi báo cáo đó được thông qua theo quy trình cụ thể quy định trong Đạo luật về thực thi các hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay (URAA) của Mỹ, tức là tuân theo thủ tục nội bộ về thực thi các phán quyết của WTO của Mỹ.

Do vụ việc DS464 vẫn chưa đến giai đoạn thực thi và Mỹ chưa triển khai thủ tục để thực thi các phán quyết này, báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm trong vụ việc DS464 sẽ tạm thời chưa ảnh hưởng tới quyết định của DOC trong vụ việc này. Vì vậy, DOC cho rằng biên độ phá giá trong các đợt rà soát hành chính gần đây, sử dụng phương pháp định giá phân biệt, vẫn phù hợp với quy định của WTO.

Ngoài ra, DOC cũng dựa trên số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) để xem xét lượng nhập khẩu tôm trước và sau khi ban hành lệnh áp thuế. Các số liệu này cho thấy lượng nhập khẩu có sự biến động sau khi Lệnh áp thuế được ban hành, nhưng lượng nhập khẩu gần đây vẫn duy trì ở mức bằng hoặc cao hơn trước khi có Lệnh áp thuế.

DOC cho rằng do vẫn tồn tại biên độ phá giá trong POR 8 và 9 nên các doanh nghiệp bị đơn Việt Nam sẽ không thể bán với lượng nhập khẩu như trước khi có Lệnh áp thuế mà không phá giá. Do vậy, DOC kết luận rằng việc bán phá giá có thể tiếp tục nếu Lệnh áp thuế bị dỡ bỏ.

Dự kiến kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần hai sẽ được DOC ban hành trong khoảng tháng 1-2017.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam tính từ đầu năm đến hết tháng 8-2016 đạt hơn 4,36 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm nay, với kim ngạch đạt 906 triệu đô la Mỹ, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản (với kim ngạch 650 triệu đô la Mỹ, tăng nhẹ 0,5%), tiếp theo là thị trường Hàn Quốc (với kim ngạch 413 triệu đô la Mỹ, tăng 57,2%).

Thị trường tôm nguyên liệu vẫn ổn định

Dù DOC đã ban hành kết luận cuối cùng trong đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10), áp dụng cho những lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ ngày 1-2-2014 đến 31-1-2015, tăng rất mạnh so với mức thuế của kỳ POR9, nhưng thị trường tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa bị tác động nào đáng kể, thậm chí một số mặt hàng đang trong xu hướng tăng nhẹ trở lại.

Cụ thế, nếu kỳ POR9, DOC áp dụng mức thuế chỉ 0,91%, thì trong kỳ POR10 này đã lên đến 4,78% đối với các công ty là bị đơn bắt buộc và tự nguyện, tức thuế chống bán phá giá trong kỳ POR 10 đã tăng đến gần 5 lần so với POR9.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Phao, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, cho biết trong khoảng 10 ngày trở lại đây, giá tôm thẻ chân trắng đã tăng nhẹ trở lại thêm khoảng 5.000 đồng/kg, trong khi đó, tôm sú vẫn giữ ở mức giá ổn định trong khoảng 10 ngày qua. Cụ thể, tại Bạc Liêu, tôm thẻ chân trắng hiện được thương lái thu mua tại ao của nông dân có giá 85.000 đồng/kg đối với loại 100 con/kg; 70 con/kg là 100.000 đồng/kg; 60 con/kg là 106.000 đồng; 50 con/kg là 117.000 đồng; 30 và 20 con/kg có giá lần lượt là 165.000 và 170.000 đồng/kg.

Còn đối với tôm sú, hiện loại 100 con/kg có giá 100.000 đồng/kg; 70 con/kg là 130.000 đồng/kg; 60 con/kg là 140.000 đồng/kg; 50 con/kg là 165.000 đồng/kg; 40, 30 và 20 con/kg có giá lần lượt là 185.000, 235.000 và 270.000 đồng/kg.

Tương tự, tại thị trường tỉnh Cà Mau và Trà Vinh, giá tôm nguyên liệu tại đây cũng tương đối ổn định trong vòng một tuần trở lại đây và hiện có giá dao động khoảng 80.000- 170.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng (tùy kích cỡ) và 100.000- 275.000 đồng/kg đối với tôm sú (tùy loại lớn hay nhỏ).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lâm, một thương lái chuyên thu mua tôm cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngụ tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cho biết so với mức giá cao nhất từng được ghi nhận trong năm 2016, thì giá tôm hiện nay đang thấp hơn khoảng 15.000-25.000 đồng/kg (tùy loại và kích cỡ).

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151964/my-co-the-tiep-tuc-ap-thue-cbpg-tom-viet-nam.html/