Mỹ đâm sau lưng Nga tại khu vực Nam Caucasus?

Bất cứ động thái nào cho thấy Mỹ can thiệp vào khu vực sân sau này của Nga đều bị xem là đâm sau lưng Nga, nên sẽ có hậu quả ....

Cộng đồng tình báo Mỹ mở đường cho việc Mỹ can thiệp vào vùng Nam Caucasus ?

Theo thông tin từ Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết, ngày 11/5 vừa qua, Giám đốc cơ quan này, ông Daniel R. Coats đã công bố bản báo cáo có tiêu đề : "Đánh giá của Cộng đồng tình báo Mỹ (IC) đối với mối đe dọa toàn cầu”.

IC là sự phối hợp của 16 cơ quan chính phủ Mỹ cùng thực hiện các hoạt động tình báo được coi là cần thiết cho việc tiến hành các hoạt động quan hệ ngoại giao quốc tế của Mỹ và các hoạt động an ninh quốc gia của Mỹ trên thế giới.

Bản báo cáo đánh giá các mối đe dọa trên toàn cầu và trong các khu vực, bao gồm các vấn đề như đe dọa an ninh mạng, vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố và hoạt động phản gián.

Dựa trên các đánh giá, IC sẽ đưa ra nhận định về mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Daniel R. Coats

Trong bản báo cáo của IC ngày 11/5, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Daniel R. Coats đã đưa ra cảnh báo về sự căng thẳng sẽ gia tăng trong năm 2017 giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh.

"Chúng tôi, Cộng đồng Tình báo Mỹ cam kết cung cấp thông tin tình báo đa ngành, đa dạng cho các nhà hoạch định chính sách và nhân viên thực thi pháp luật để có phản ứng nhằm bảo vệ đất nước Mỹ và lợi ích của nước Mỹ ở bất cứ đâu trên thế giới".

Với nội dung bản báo cáo mới nhất của IC, giới phân tích về quân sự và tình báo cho rằng, dường như Cộng đồng Tình báo Mỹ đã mở đường cho sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột tại Nagorno – Karabakh, giữa Armenia và Azerbaijan.

Tuy nhiên, theo cá nhân người viết thì Mỹ chưa thể can thiệp vào cuộc tranh chấp đã trở thành cái ung nhọt tại khu Nam Caucasus, khu vực vốn được xem sân sau của Nga. Tại sao lại nhận định như vậy?

Tính chất đặc biệt của Nagorno – Karabakh không dễ dàng cho sự can thiệp của Mỹ

Ngược dòng lịch sử, sau khi đánh bại chính quyền thân Anh tại khu vực Nam Caucasus vào năm 1919, Liên Xô đã quyết định sáp nhập vùng đất Karabakh vào lãnh thổ Armenia nhưng đã bị sự phản đối của Azerbaijan.

Vì những toan tính chính trị, Liên Xô lại quyết định sát nhập Karabakh vào Azerbaijan năm 1921 và thành lập tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan vào năm 1923, trong khi 94% dân số là người Armenia.

Phải nhận định rằng, quyết định của Liên Xô nhập, tách Karabakh và thành lập tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh là những quyết định không hợp lý, do vậy người Armenia liên tục phản đối tính hợp lệ của của nó trong suốt những thập kỷ tiếp theo dưới chính quyền Xô viết.

Vùng đất đặc biệt Nagorno-Karabakh

Khi Cải tổ và Công khai được phát động bởi Tổng bí thư Mikhail Gorbachev, vấn đề độc lập và lợi ích dân tộc tại Nagorno-Karabakh trở thành vấn đề nóng bỏng và đến ngày 20/2/1988 cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan đã nổ ra.

Cuộc chiến tranh tại Nagorno-Karabakh kéo dài từ 1988 đến 1994, sau khi đại diện chính phủ Armenia và Azerbaijan tiến hành đàm phán hòa bình về tình trạng của khu vực này. Kết quả là Cộng hòa Nagorno-Karabakh ra đời nhưng chưa được công nhận là một quốc gia độc lập.

Thực thể chính trị này được thành lập từ một phần lãnh thổ của Cộng hòa Azerbaijan, nhưng phần đông dân số lại là người Armenia, vì vậy mâu thuẫn giữa hai quốc gia này vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Đến tháng 4/2016 thì một cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan lại nổ ra tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Phải thấy rằng, trong các cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh đã xảy ra, máu của người dân Armenia và Azerbaijan đổ xuống không phải vì nền độc lập cho dân tộc của họ, không phải vì lợi ích dân tộc của họ.

Bởi lẽ, hiện nay người ta không thể khẳng định đứng về phía ai, về phía nào là hợp lẽ. Gần một thế kỷ tồn tại nhưng Nagorno-Karabakh không thể được xác định thuộc về quốc gia nào thì sẽ mang lại hòa bình cho người dân các dân tộc tại khu vực này.

Vậy Mỹ xuất hiện tại khu vực này với tư cách gì và sẽ đứng về phía nào là điều không dễ xác định và xác lập.

Lợi ích sống còn của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực là rào cản cho sự can thiệp của Mỹ

Từ lâu, Nga được xem là quốc gia hậu thuẫn cho Armenia trong cuộc xung đột, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì đứng sau Azerbaijan.

Khi Liên Xô tan rã, dẫn đến việc các quốc gia thành viên tuyên bố độc lập thì Azerbaijan đã hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và tại vùng Nam Caucasus lúc này chỉ có Armenia mang lại hy vọng là một đồng minh đáng tin cậy của Nga, bởi Gruzia cũng đã “hướng Tây”.

Khi cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh tái bùng phát vào đầu tháng 4/2016, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã thể hiện ảnh hưởng nhằm bảo vệ quyền lợi của mình tại khu vực.

Người dân tại Nagorno-Karabakh không thể xác định đâu là kẻ thù của mình

Trong chuyến công du đến Armenia và Azerbaijan nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố:

"Nguyện vọng của chúng tôi rất giản đơn là cần có hòa bình làm tiền đề cho sự phát triển của cả khu vực. Chúng tôi là một phần không thể tách rời của khu vực, do đó điều này đối với chúng tôi là vô cùng quan trọng", Sputnik tường thuật.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayip Erdogan đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ ủng hộ Azerbaijan tới cùng trong cuộc xung đột giữa nước này với Armenia”, theo Reuters.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-dam-sau-lung-nga-tai-khu-vuc-nam-caucasus-3335331/