Mỹ - Động lực tăng trưởng của thế giới trong năm 2017

Với việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các cơ quan nghiên cứu quốc tế thay đổi hẳn dự báo kinh tế năm 2017.

Nước Mỹ dưới thời tỷ phú Donald Trump vẫn được coi là động lực thúc đẩy kinh tế thế giới trong năm 2017.

Với việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các cơ quan nghiên cứu quốc tế thay đổi hẳn dự báo kinh tế năm 2017.

Theo đó, Mỹ vẫn sẽ là đầu tàu tăng trưởng của thế giới, trong khi ASEAN gặp khó khăn vì đồng USD tăng giá. Ba tuần sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, cơ quan tư vấn Ecofi Investments có trụ sở tại Paris đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 1,9% lên 2,7% trong năm 2017 với lý do “chương trình của ông Trump bao gồm các biện pháp tăng chi tiêu công, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo đà cho tăng trưởng. Tuy nhiên, chương trình này lại đẩy nợ công của Washington lên cao”.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lạc quan hơn Ecofi Investments khi dự báo Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) năm 2017 của Mỹ tăng tới 3,3%, cao hơn so với dự báo tăng trưởng của OECD đối với Mỹ trong năm nay đến 0,4%. Theo thẩm định của ngân hàng Thụy Sĩ Marabaud, chỉ riêng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đủ đem lại 0,5% tăng trưởng cho GDP của nước Mỹ.

Thậm chí có chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ trong năm 2017 sẽ tăng trưởng khả quan hơn, với lạm phát và lãi suất tiếp tục tăng, có thể không phải 3 lần mà chỉ 2 lần, nhưng vẫn khiến đồng USD lên giá so với các ngoại tệ khác. Về mặt chính sách, chính quyền Donald Trump đề xuất tăng chi cho hạ tầng cơ sở cùng giảm thuế và nới lỏng luật lệ kiểm soát các doanh nghiệp nên sẽ nâng đà tăng trưởng song cũng gây hậu quả lạm phát. Trong năm 2016, Mỹ đã thoát khỏi nạn suy thoái kinh tế tưởng như sẽ xảy ra từ giữa năm. Sang năm 2017, suy thoái vẫn chưa xảy ra ít ra là tới cuối năm 2017 và đây được coi là điều may mắn cho các nước xuất khẩu do thị trường Mỹ quá lớn.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump sẽ ráo riết xét lại hoặc kiểm soát việc thi hành các hiệp định thương mại, điển hình là Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ với Canada và Mexico. Trên thực tế, không phải là kinh tế Mexico làm dân Mỹ mất việc làm mà vì nhiều nước Âu-Á đã vào thị trường Mexico để hưởng lợi (bán hàng cho Mỹ). Vì vậy, Mỹ rà soát lại xuất xứ hàng hóa Mexico trong khuôn khổ NAFTA và nhiều nước châu Âu hay châu Á sẽ bị ảnh hưởng vì ‘chui’ vào Mỹ qua ngả NAFTA.

Ngoài ra, Mỹ sẽ rút khỏi TPP và không thương thuyết hiệp định thương mại quốc tế nào khác, và có khi còn đòi xem xét lại nhiều hiệp định thương mại song phương đã ký kết. Như vậy, mâu thuẫn thương mại sẽ gia tăng.

Đồng USD tăng giá sẽ là một trở ngại cho hàng xuất khẩu của Mỹ, từ các hãng nhỏ đến những hãng khổng lồ như Boeing hay hãng chế tạo xe hơi General Motors. Thêm vào đó, các doanh nhân Mỹ cũng đang lo ngại Donald Trump lao vào một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khi đó chắc chắn Bắc Kinh sẽ trả đũa, trừng phạt hàng Mỹ xuất sang thị trường rộng lớn với hơn 1,2 tỷ dân này.

Không thể không nhắc tới kinh tế Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Trong thông cáo mới đây, Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Bắc Kinh dự báo GDP của Trung Quốc tiếp tục tăng với “nhịp độ chậm”, theo đó, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 6,5% vào năm 2017, thấp hơn 0,2% so với chỉ tiêu. Nếu đồng USD tăng giá trong năm 2017, thì đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có khuynh hướng tiếp tục bị mất giá, ít nhất là từ 3-5% so với đồng USD. Hiện tượng này càng khuyến khích doanh nhân Trung Quốc đi tìm những “bãi đáp an toàn”. Khi đó, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ rơi vào giai đoạn khó khăn dù nước này chưa bị suy thoái, hay hạ cánh trong năm 2017. Đặc biệt, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được đánh giá là cứng rắn hơn thời các Tổng thống tiền nhiệm có thể khiến Bắc Kinh gặp khó hơn.

Vào lúc tương lai TPP còn chưa rõ ràng sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định này, Trung Quốc đã chủ trương sử dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để lôi kéo các đồng minh của Washington về phía mình, kể cả Nhật Bản. Các nước Đông Nam Á không chỉ đối mặt giữa hai luồng ảnh hưởng đó, mà còn đang đứng trước nhiều rủi ro khi đồng USD tăng giá, nợ của các nước này đột ngột “phình to thêm”.Trên thực tế, nếu đồng USD lên giá, các nước vay nhiều bằng USD, có ít dự trữ ngoại tệ và bị thâm hụt thương mại sẽ bị tác động mạnh nhất. Do đó, các nước ASEAN cần có đối sách hợp lý, để đối phó với rủi ro.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/my-dong-luc-tang-truong-cua-the-gioi-trong-nam-2017.aspx