Mỹ hướng tới hệ thống hàng không an toàn, xanh, sạch và nhân văn

Sáng 17.5, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành luật hàng không toàn diện có tên H.R.3935. Đạo luật quan trọng này đặt mục tiêu tăng cường đội ngũ nhân viên kiểm soát không lưu, củng cố các biện pháp an toàn và cải thiện quyền lợi của hành khách...

Nguồn: Shawn Thew/EPA/Shutterstock

Nguồn: Shawn Thew/EPA/Shutterstock

Được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số ủng hộ áp đảo trước đó một ngày, hôm 16.7, văn bản pháp lý dài khoảng 1.000 trang vừa được Tổng thống Biden ký phê chuẩn vào sáng 17.5. Luật cung cấp hơn 105 tỷ USD cho Cục Hàng không Liên bang (FAA) và 738 triệu USD cho Ban An toàn giao thông quốc gia để thực hiện các chương trình an toàn, dự án cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa sân bay, nâng cấp công nghệ, cũng như hệ thống hàng không thế hệ kế tiếp.

Tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng

Một trong những đặc điểm nổi bật của luật là tập trung vào quyền lợi của hành khách, bao gồm nghiêm cấm các hãng hàng không tính phí đối với các hành khách là thành viên gia đình nếu họ muốn yêu cầu chỗ ngồi gần nhau, vốn là một trong những khiếu nại phổ biến. Ngoài ra, luật cũng yêu cầu các hãng hàng không tự động hoàn tiền cho hành khách bị hủy, bị trì hoãn trong vài giờ hoặc thay đổi đáng kể chuyến bay. Bên cạnh đó, mọi khoản tín dụng du lịch mà các hãng hàng không cung cấp thay cho việc hoàn tiền phải có hiệu lực trong ít nhất 5 năm.

Chú trọng đến an toàn hàng không

Cải thiện mức độ an toàn cũng là nhiệm vụ trung tâm của luật. Để đối phó với một loạt sự cố và trường hợp khẩn cấp hàng không gần đây liên quan đến chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines phải hạ cánh khẩn cấp do bung một phần cửa, luật mới yêu cầu một số cập nhật quan trọng, như yêu cầu máy bay phải được trang bị thiết bị ghi âm giọng nói tại buồng lái trong 25 giờ, tăng đáng kể so với yêu cầu 2 giờ hiện tại. Thay đổi này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc điều tra các sự cố an toàn trong tương lai.

Hơn nữa, FAA được chỉ đạo triển khai công nghệ bề mặt sân bay tiên tiến được thiết kế để ngăn chặn va chạm trên đường băng, vốn là mối lo ngại ngày càng tăng trong ngành hàng không. Luật cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng thiếu khoảng 3.000 nhân viên kiểm soát không lưu. Để đạt được mục tiêu đó, FAA có nhiệm vụ cải thiện tiêu chuẩn nhân sự, tăng cường tuyển dụng các thanh tra an toàn, kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật.

Chưa hết, luật về hàng không mới của Mỹ áp đặt các hình phạt dân sự nghiêm ngặt đối với hành vi vi phạm của hành khách hàng không, nâng đáng kể mức phạt tối đa từ 25.000 USD lên 75.000 USD cho mỗi vi phạm.

Hỗ trợ ngành hàng không

Luật còn bao gồm các điều khoản có tác động đáng kể đến ngành hàng không như cho phép Boeing tiếp tục sản xuất máy bay chở hàng 767 cho đến năm 2033. Quyết định gia hạn này được coi là rất quan trọng đối với các kế hoạch sản xuất dài hạn của Boeing cũng như các lĩnh vực hậu cần và hàng hóa.

Ngoài ra, luật không nâng độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc của phi công lên 67 tuổi, như các nghị sĩ Hạ viện từng tìm cách thực hiện vào năm ngoái, và vẫn giữ nguyên các yêu cầu về đào tạo phi công. Những người ủng hộ tăng tuổi hưu lập luận, biện pháp trên sẽ giảm bớt căng thẳng cho lực lượng lao động phi công. Tuy nhiên, phe phản đối lại cho rằng điều này sẽ không thể lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lao động, thay vào đó còn dẫn đến một loạt lo ngại về hậu cần, pháp lý lẫn an toàn, vì các phi công trên 65 tuổi thường bị cấm bay quốc tế.

Luật còn bổ sung thêm 10 chuyến bay đường dài mỗi ngày đến và đi từ Sân bay Quốc gia Ronald Reagan, bên cạnh sân bay Washington vốn đang tắc nghẽn. Delta Airlines đã vận động mạnh mẽ cho thay đổi này, dự kiến sẽ làm tăng sự cạnh tranh và có khả năng giúp giảm giá vé máy bay trên một số tuyến.

Hỗ trợ tốt hơn cho hành khách là người khuyết tật

Đặc biệt, các nhà lập pháp cũng đưa vào luật nhiều biện pháp nhằm cải thiện việc đi lại bằng đường hàng không cho các hành khách khuyết tật. Theo đó, FAA sẽ phải đánh giá lại quy trình sơ tán trên máy bay đối với hành khách khuyết tật và hành khách lớn tuổi; đưa ra yêu cầu đào tạo bắt buộc đối với nhân viên sân bay về cách xử lý xe lăn; đồng thời tăng cường các cơ chế thực thi để bảo đảm người khuyết tật có thể lên máy bay thuận lợi.

Luật hàng không mới của Mỹ được đáng giá là bước tiến đáng kể nhằm giải quyết các thách thức trước mắt và lâu dài trong lĩnh vực hàng không nước này. Nói như nghị sĩ Hạ viện Rick Larsen thuộc đảng Dân chủ, luật này “sẽ tạo ra một hệ thống hàng không an toàn, sạch, xanh và dễ tiếp cận hơn ở Mỹ”.

Linh Anh (Theo AP, Reuters, NYT)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/my-huong-toi-he-thong-hang-khong-an-toan-xanh-sach-va-nhan-van-i371990/