Mỹ kêu gọi không đe dọa để thúc đẩy chủ quyền ở biển Đông

Ngày 16.11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thúc giục các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông không dùng đến cách đe dọa để thúc đẩy tuyên bố của họ trong vùng biển.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng nước chủ nhà Philippines Alberto Del Rosario ký tuyên bố hợp tác.

Mỹ khẳng định lợi ích quốc gia

Trên tàu Mỹ USS Fitzgerald đậu trong vịnh Manila, bà Hillary Clinton và Ngoại trưởng nước chủ nhà Philippines Alberto Del Rosario đã ký tuyên bố hợp tác, trong đó kêu gọi đàm phán đa phương để giải quyết các tranh chấp trên biển. Phát biểu tại Manila, bà Hillary nói rằng, tranh chấp trên các tuyến đường trên biển Đông cần được giải quyết thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo bà, Mỹ trông đợi các cuộc thảo luận thẳng thắn về tranh chấp trên biển Đông tại diễn đàn ASEAN ở Bali (Indonesia) vào cuối tuần này. “Mỹ không đứng về bên nào cả trong các tuyên bố chủ quyền... Nhưng các nước không có quyền theo đuổi tuyên bố của mình thông qua việc đe dọa và cưỡng chế. Các bên cần tuân theo luật pháp quốc tế, các luật lệ, UNCLOS”.

Bà Hillary cũng cho biết, tại Bali, “Tổng thống Obama sẽ tái khẳng định lợi ích quốc gia của chúng tôi trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực và quốc tế”. Bà nói rằng, điều đó bao gồm tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp và thương mại hợp pháp không bị cản trở, đồng thời Mỹ coi UNCLOS là khuôn khổ quan trọng trong các tranh chấp lãnh thổ...

Trả lời phỏng vấn Hãng truyền thông quốc gia Australia ABC News tại Bali ngày 16.11, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói rằng, mặc dù tình hình tại biển Đông khá căng thẳng, song ông vẫn tin Trung Quốc và các nước ASEAN có thể làm việc với nhau để giải quyết tranh chấp kéo dài đã lâu tại biển Đông.

Tăng cường có mặt quân sự

Tại Australia cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Australia Julia Gillard đã tuyên bố rằng, quân đội Mỹ sẽ bắt đầu có mặt thường xuyên ở Australia. Cho đến giữa năm 2012, Mỹ sẽ đưa quay vòng đến Australia số lượng lính thủy đánh bộ cỡ một tiểu đoàn, khoảng 200 - 250 quân, đóng tại một căn cứ quân sự của Australia tại lãnh thổ phía bắc. Con số này sẽ được tăng lên thành lực lượng đầy đủ khoảng 2.500 lính thủy đánh bộ. Ngoài ra, không quân Mỹ có thể sử dụng các căn cứ của không quân Australia nhiều hơn một cách đáng kể so với hiện nay.

Trung Quốc đã ngay lập tức bày tỏ sự quan ngại về việc Mỹ triển khai quân thường xuyên ở Australia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin nói rằng, cần phải giám sát chặt chẽ hơn sự có mặt này và “có thể không thích hợp khi làm căng thẳng và mở rộng các liên minh quân sự và có thể không phù hợp lợi ích của các nước trong khu vực”.

Đáp lại, Ben Rhodes - Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về truyền thông chiến lược - nói: “Việc này không những hoàn toàn thích hợp mà còn là một bước quan trọng để giải quyết các thách thức trong tương lai của Châu Á - Thái Bình Dương”. Ông Rhodes cho rằng, tuyên bố quân sự Mỹ - Australia đưa ra để “đáp ứng nhu cầu từ bên trong khu vực”.

Ông Rhodes nhấn mạnh, sự có mặt quân sự của Mỹ “sẽ cho phép Mỹ có cân bằng địa lý tốt hơn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho phép chúng ta đáp ứng hàng loạt lợi ích trong khu vực Thái Bình Dương”.

V.N (Theo AP)

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/my-keu-goi-khong-de-doa-de-thuc-day-chu-quyen-o-bien-dong/66569