Mỹ không tin khả năng của hệ thống Aegis

Dù Mỹ tuyên bố hệ thống Aegis trên chiến hạm Arleight Burke đủ mạnh để phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.

Lộ bảo bối mới

Trang Watmmagazine dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Raytheon cho biết, nhà sản xuất này đang chế tạo một thế hệ radar tối tân mới để trang bị chiến hạm lớp Arleight Burke của Hải quân Mỹ nhằm tăng cường khả năng đối phó với tên lửa đạn đạo DF-21 của Trung Quốc.

Hiện nay, Raytheon đã sản xuất thí điểm hệ thống radar AN/SPY-6(V) - một trong những thành phần của chương trình phòng không và chống tên lửa (AMDR) sẽ được lắp đặt trên tàu khu trục lớp Arleight Burke thế hệ ba (Flight III).

Mô phỏng radar AN/SPY-6(V) hoạt động trên chiến hạm Aegis.

Được phát triển với công nghệ vật liệu gallium-nitride, hệ thống radar AN/SPY-6(V) mạnh hơn nhiều đài radar AN/SPY-1 trên chiến hạm Mỹ được trang bị hệ thống Aegis hiện nay. Theo Raytheon, AN/SPY-6(V) có thể phát hiện mục tiêu nhỏ ở khoảng cách xa gấp đôi so với mẫu AN/SPY-1D.

Những thông số này được công bố dựa vào kết quả thử nghiệm hôm 27/7 vừa qua ở ngoài khơi Hawaii. Trong lần đầu thử nghiệm, hệ thống radar AN/SPY-6(V) đã phát hiện, bám bắt một tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) trong suốt quá trình bay, giúp phòng thủ Mỹ diệt gọn mục tiêu.

Việc phát triển và bước đầu thử nghiệm thành công AN/SPY-6(V) cho thấy, hệ thống radar tối tân này có thể giúp chiến hạm Aegis của Mỹ đủ năng lực đối phó với những tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 1.000-3.000 km.

Và như vậy, phát hiện và dẫn bắn những tên lửa tương tự DF-21 hoàn toàn nằm trong khả năng của hệ thống radar AN/SPY-6(V).

Thiếu tự tin

Sẽ không có gì đáng nói về việc phát triển radar AN/SPY-6(V) để đối phó với DF-21 nếu trước đó chính Hải quân Mỹ không từng nhiều lần tuyên bố hệ thống Aegis trên chiến hạm lớp Arleight Burke đủ khả năng vô hiệu tên lửa đạn đạo tầm trung.

Điều này cho thấy, chính Mỹ đang thiếu tự tin vào khả năng đối phó với tên lửa đạn đạo từ những hệ thống chiến đấu hàng đầu của nước này hiện đang được trang bị và điều này xuất phát từ thực tế.

Tai tiếng mới nhất liên quan đến hệ thống chiến đấu Aegis khi Hải quân Mỹ tiến hành thử nghiệm khả năng đánh chặn tại đảo Wake, phía Tây Thái Bình Dương hồi năm 2016.

RT dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, cuộc thử nghiệm này được thực hiện với sự góp mặt của nhiều lớp tên lửa đánh chặn bao gồm Hệ thống Chống tên lửa đạn đạo Aegis trên tàu USS John Paul Jones và Hệ thống Tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

THAAD trên đảo Wake đã dò tìm và tiêu diệt một mục tiêu tầm ngắn đầu tiên, đươc phóng từ máy bay vận tải C-17. Đến lần phóng thử thứ 2, tên lửa SM-3 phóng từ tàu USS John Paul Jones đã bắn trượt mục tiêu và phải để cho hệ thống THAAD đánh chặn ở vòng phòng thủ cuối.

Phải đến lần thử nghiệm cuối cùng, Hải quân Mỹ đã thành công trong việc sử dụng tên lửa SM-2 Block IIIA tiêu diệt tên lửa giả BQM-74E. Được biết, đây là tai tiếng mới nhất liên quan đến khả năng của hệ thống Aegis trên chiến hạm Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 6/2015, hệ thống Aegis trên khu trục hạm tên lửa USS ROSS đã không thể ghi được hình chiếc Su-24 của Không quân Nga khi chiến đấu cơ này liên tiếp đe dọa tàu Mỹ.

Dù Aegis là hệ thống chiến đấu hiện đại bậc nhất thế giới, tuy nhiên không rõ vì sao Hải quân Mỹ chỉ công bố hình ảnh chiếc Su-24 vờn USS ROSS trên Biển Đen bằng máy quay thông thường mà không phải hình ảnh từ hệ thống chiến đấu quan sát được.

Trước phong độ thất thường của hệ thống Aegis hiện tại thì việc Mỹ mạnh tay phát triển radar mới AN/SPY-6(V) để tăng cường khả năng đối phó với tên lửa đạn đạo là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.

Clip cách hệ thống Aegis phát hiện mục tiêu

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-khong-tin-kha-nang-cua-he-thong-aegis-3341326/